Đề xuất cải cách thuế của Tổng thống Trump: Nói thì dễ, làm mới khó
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 27/9 đã công bố gói cải cách thuế lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ tại Mỹ.
Đây là động thái nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước được ông Donald Trump đề ra cho năm nay. Giới phân tích cho rằng, đề xuất cắt giảm thuế mới sẽ phải mất rất nhiều thời gian tranh cãi và bàn luận trước khi chính thức được ban hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Giữ đúng lời hứa trong cam kết tranh cử, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân nhằm hồi sinh nền kinh tế với mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Indianapolis cùng ngày, ông Donald Trump nhấn mạnh đây là những cải cách thuế toàn diện nhất kể từ năm 1986, trong đó diện điều chỉnh bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp.
“Đề xuất của chúng tôi bao gồm những cam kết rõ ràng rằng, cải cách thuế sẽ bảo vệ những hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Liên quan đến thuế doanh nghiệp, chúng ta phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu mức thuế cao hơn 60% so với đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Điều đó không có lợi. Do đó, chính phủ cũng sẽ dần dần cắt giảm thuế doanh nghiệp để các công ty và lao động Mỹ có thể cạnh tranh và chiến thắng”, ông Trump nói.
Theo đề xuất mới, Mỹ sẽ hạ thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%, tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn, đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân. Đối với doanh nghiệp, dù không đề xuất giảm thuế xuống còn 15% như cam kết tranh cử, song nhà lãnh đạo Mỹ đề nghị áp thuế doanh nghiệp 20% từ mức 35% hiện nay.
Tuy nhiên, kế hoạch này còn quá ít chi tiết về việc làm thế nào để bù đắp cho những khoản cắt giảm thuế này mà không khiến ngân sách thêm thâm hụt cũng như chưa xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ hiện đang ở mức 20.000 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một bức tranh với những nét phác thảo quá sơ sài và ít thông tin về chính sách thuế mới như vậy khiến các nhà lập pháp, thậm chí ngay trong Đảng Cộng hòa tỏ ra hoài nghi. Và vấn đề mấu chốt là lo ngại bùng phát thâm hụt ngân sách liên bang.
Thượng nghĩ sỹ Đảng Cộng hòa Bob Corker tuyên bố ông sẽ không bỏ phiếu bất cứ gói cải cách thuế nào được tài trợ bằng vốn vay và gây thất thu ngân sách. Còn các nghị sỹ Dân chủ thì phản đối kịch liệt và khẳng định sẽ làm mọi cách ngăn chặn chính sách này tại Quốc hội. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng kế hoạch này sẽ khiến thâm hụt ngân sách ở mức cao, có lợi cho người giàu thay vì những gia đình trung lưu, thu nhập thấp.
Ông Chuck Schumer, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ khẳng định, theo kế hoạch thì những người Mỹ giàu nhất và những công ty giàu nhất sẽ được lợi, còn tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp thì “có tiếng mà không có miếng”.
Trước đó, dự luật của ông Donald Trump đã vấp phải luồng ý kiến trái ngược trong cộng đồng doanh nghiệp nước này. Được lợi nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa bị mất lợi thế.
Chính quyền tổng thống Donald Trump không đưa ra con số ước tính về chi phí của kế hoạch cải tổ thuế hay mức thâm hụt ngân sách mà kế hoạch gây ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban chịu trách nhiệm về ngân sách liên bang, thay vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kế hoạch này sẽ khiến nguồn thu thuế của chính phủ Mỹ giảm 5.800 tỷ USD trong một thập kỷ.
Giới phân tích đã cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế mạnh tay sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to nếu mức tăng trưởng kinh tế mà chính phủ Mỹ kỳ vọng đạt được để bù đắp không trở thành sự thật. Do đó, để được thông qua tại Quốc hội thì đề xuất này vẫn cần phải trải qua rất nhiều tranh cãi và điều chỉnh./.
“Gió” đảo chiều ở Đồi Capitol, ông Trump làm 2 chính đảng Mỹ bị sốc