Dịch Covid-19 và “nỗi sợ vô hình” xâm chiếm châu Âu
VOV.VN - Trở thành “tâm dịch” Covid-19 với hàng chục nghìn ca nhiễm, châu Âu đang đối mặt với “nỗi sợ vô hình” do virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu giờ đây, những quảng trường và sân vận động vắng ngắt, những viện bảo tàng đóng cửa, các nhà hàng và những quầy bar im lìm. Virus SARS-CoV-2 không chỉ đang lan rộng trên toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến các xã hội châu Âu với nỗi bất an, sự sợ hãi và chia rẽ ngày càng gia tăng.
Khu Trastevere ở Rome, Italy vắng vẻ vào tuần trước. Ảnh: New York Times |
Nếu như trước đây ở châu Âu, nơi mà cuộc sống diễn ra trên những tuyến phố tấp nập hay trong những quán cà phê đông khách, nơi mà bạn bè chào nhau bằng những cái bắt tay hay những nụ hôn má, thì giờ đây, châu Âu đang cố gắng xây những bức tường biên giới giữa các quốc gia, trong thành phố của họ, trong những khu dân cư và thậm chí quanh ngôi nhà của họ để tự bảo vệ bản thân trước mọi người xung quanh.
Đối phó với virus không phân biệt biên giới, một châu Âu hiện đại không biên giới đang xây dựng biên giới ở mọi nơi.
"Điều này không còn là câu hỏi về biên giới giữa các quốc gia nữa mà là biên giới giữa các cá nhân" Ivan Krastev - người điều hành Trung tâm chiến lược tự do ở Sofia, Bulgaria nhận định.
"Bây giờ bạn sẽ sợ từng cá nhân. Mọi người xung quanh bạn đều có thể là mối nguy hiểm mang virus".
Virus SARS-CoV-2 trở thành một kẻ thù vô hình. "Bạn có thể đặt tay lên tay nắm cửa và nhiễm virus. Đó là đỉnh điểm của nỗi sợ hãi", Dominique Moïsi - một nhà khoa học chính trị người Pháp nhận định.
"Sự huy động toàn xã hội sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng cũng cần thiết hơn bởi kẻ thù là vô hình", ông cho biết. Paris từng trải qua cuộc khủng bố khiến 150 người thiệt mạng trong 1 đêm vào năm 2015. "Điều đó thật tàn nhẫn nhưng chúng ta có thể có thể nhìn thấy kẻ thù là ai. Trong khi đó, số người tử vong vì virus sẽ ngày càng nhiều hơn nhưng kẻ thù này là vô hình và chúng ta chưa bao giờ trải qua điều đó".
Dù vậy, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh khác khi mặc dù ngày càng nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, phong tỏa khu vực, cấm các hoạt động đông người nhưng điều đó không có nghĩ là nỗi sợ hãi xâm chiếm toàn bộ châu Âu.
Bà Nathalie Tocci - một cố vấn của Liên minh châu Âu và cũng là một công dân Italy sống ở Rome chia sẻ rằng khi bà đi ra ngoài đường và thậm chí vào cửa hàng tạp hóa đều thấy cảnh sát đứng gác nhưng bà đang cố gắng tập trung vào những khía cạnh tích cực của quá trình cách ly.
"Tôi sẽ có thời gian để khám phá lại những điều nhỏ bé, dành thời gian cho con cái và gia đình", bà Tocci chia sẻ.
Những người dân Italy cũng đã cùng nhau hát vang từ ban công và thể hiện lòng biết ơn của họ với những nhân viên y tế làm việc kiệt sức để tiếp thêm sự lạc quan cho nhau giữa dịch bệnh căng thẳng.
"Có một điều tuyệt vời là cho tới nay dịch bệnh không khiến chúng tôi trở nên xa cách. Mọi người sợ hãi nhưng hầu như đều thể hiện sự trách nhiệm và đoàn kết. Có rất nhiều thông điệp quanh chúng tôi, một vài thông điệp trong số đó vô cùng vui nhộn và thể hiện sự sẻ chia cộng đồng"./.