Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 13/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 13/6.
Ukraine nêu mục tiêu của chiến dịch phản công. Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Igor Zhovkva ngày 12/6 cho biết “mục tiêu cuối cùng của chiến dịch phản công là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea”. Theo ông Zhovkva cho biết một số hoạt động phản công đã được tiến hành, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Ông cũng tìm cách hạ thấp mọi kỳ vọng rằng chiến dịch sẽ đạt được kết quả nhanh chóng. Theo ông Zhovkva, Ukraine có thể mất nhiều tháng để đạt được mục tiêu của mình.
Ông Zhovkva cũng nói rằng đây không phải là cuộc phản công đầu tiên của Ukraine, ám chỉ đến những bước tiến thành công của quân đội Ukraine vào tháng 9 và tháng 10/2022 khi các lực lượng Nga bị đẩy ra khỏi khu vực Kharkiv và phần phía Bắc Kherson. Cuộc tấn công hiện tại “có lẽ sẽ không phải là hoạt động phản công cuối cùng”.
Pháp cảnh báo cuộc phản công của Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo cuộc phản công của Ukraine có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh tam giác Weimar cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh châu Âu cần phải duy trì phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ cho Ukraine. Pháp sẽ tăng cường cung cấp vũ khí, đạn dược, xe bọc thép cũng như sự hỗ trợ về hậu cần cho Ukraine.
Người đứng đầu nước Pháp khẳng định phương Tây sẽ làm tất cả để Nga không thể giành chiến thắng tại Ukraine và coi thắng lợi của Ukraine là chìa khoá để có thể bước vào bàn đàm phán với ưu thế thuận lợi. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khẳng định sẽ hỗ trợ đến chừng nào có thể cho Ukraine và tiếp tục gửi đến Ukraine xe tăng, pháo binh và cả hệ thống phòng không.
Mỹ không biết chính xác ai đã tấn công đập Kakhovka ở Ukraine. Khi được đề nghị chia sẻ dữ liệu tình báo về việc ai đã tấn công vào đập thủy điện Kakhovka ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington không có thêm thông tin chính xác những gì đã xảy ra.
“Chúng tôi biết rằng nó có những tác động thảm khốc đối với người Ukraine. Nhưng chúng tôi không có thêm thông tin nào về nguyên nhân chính xác khiến con đập bị vỡ. Tất nhiên, Nga đã khơi mào cuộc xung đột này. Nga thực sự kiểm soát con đập và chúng tôi đã thấy hậu quả ảnh hưởng đến rất nhiều người Ukraine”, ông Blinken nói.
NATO tập trận không quân lớn nhất từ trước tới nay. Ngày 12/6, cuộc tập trận trên không lớn nhất trong lịch sử NATO bắt đầu diễn ra tại căn cứ không quân Wunstorf gần vùng Hannover của Đức. Cuộc tập trận Air Defender 2023 dự kiến kéo dài tới ngày 23/6, với sự tham gia của 10.000 binh sĩ đến từ 25 quốc gia và 250 máy bay, trong đó có khoảng 100 máy bay của Mỹ và 70 máy bay của Đức.
Cuộc tập trận sẽ huấn luyện cách điều chuyển nhanh chóng lực lượng không quân tăng cường tới Đức trong trường hợp có xung đột, giành lại các khu vực đã bị chiếm giữ cũng như huấn luyện công tác phòng thủ và tương hỗ mô phỏng theo Điều 5 Hiệp ước NATO, trong đó các đối tác cam kết hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO.
Nga ồ ạt tập kích quê nhà Tổng thống Ukraine. Giới chức Ukraine cho hay, đêm qua và rạng sáng nay 13/6, quân đội Nga đã tập kích tên lửa vào Kryvyi Rih, thành phố quê nhà Tổng thống Volodymyr Zelensky ở tỉnh Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine. Ít nhất 6 người thiệt mạng, 25 người bị thương trong cuộc tập kích.
Theo không quân Ukraine, Nga triển khai tổng cộng 8 máy bay ném bom Tu-95MS, phóng 14 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 từ biển Caspi. Ngoài ra, Moscow cũng sử dụng ít nhất 4 UAV tự sát Shahed-136/131 cho cuộc tập kích.
Hệ thống phòng không của Ukraine đã đánh chặn thành công 10 tên lửa và một chiếc UAV trong số đó.
Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.
Ukraine muốn có thêm xe tăng Đức. Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik cho biết, Kiev cần có thêm nhiều thiết giáp của Đức trong lúc giao tranh căng thẳng với Nga. Yêu cầu được đưa ra sau khi Moscow tuyên bố đã phá hủy một số xe tăng Leopard do Đức sản xuất, và đẩy lùi những nỗ lực của Kiev nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga.
Theo ông Melnik, quân đội Đức có hơn 300 xe tăng Leopard 2 trong kho vũ khí dự phòng. Ông nhận định số lượng xe tăng Leopard cung cấp cho Ukraine có thể “tăng gấp 3 lần mà không gây nguy hiểm cho khả năng tự vệ của Đức”. Đức đã chuyển cho Ukraine 18 xe tăng Leopard 2. Cũng theo ông Melnik, Berlin có thể cung cấp cho Kiev thêm “60 xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV)”. Đức đã gửi cho Ukraine 40 chiếc IFV, và hứa sẽ cung cấp thêm 20 chiếc trong thời gian tới.
Đan Mạch gửi 2.000 quả đạn pháo tới Ukraine. Chính phủ Đan Mạch ngày 12/6 đã công bố chuyến hàng bổ sung đạn dược tới Ukraine trong bối cảnh lực lượng Kiev đang nỗ lực tiến hành một cuộc phản công.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen và Bộ trưởng Ngoại giao Lars Lokke Rasmussen cùng thông báo điều này vào ngày 12/6, sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Đối ngoại. Các bộ trưởng Đan Mạch không tiết lộ chi tiết về khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine, nhưng cho biết đây là lô đạn dược trị giá khoảng 250 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 36 triệu USD), gói này bao gồm 2.000 quả đạn pháo./.