Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/10
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 15/10.
Tổng thống Putin cảnh báo thảm họa toàn cầu nếu NATO xung đột trực tiếp với Nga: Việc đưa quân đội NATO vào cuộc giao tranh trực tiếp với Nga sẽ là một bước đi thiếu khôn ngoan và có thể dẫn đến "thảm họa toàn cầu", Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo ngày 14/10 sau Hội nghị Thượng đỉnh Trung Á - Nga ở Astana, Kazakhstan.
Nga giải thích lý do không tiến hành thêm không kích tên lửa quy mô lớn ở Ukraine: Hiện không cần tiến hành thêm các cuộc không kích tên lửa quy mô lớn vào các mục tiêu của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay. Trong cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan, Tổng thống Putin giải thích, quân đội Nga hiện đang theo đuổi các mục tiêu khác và chỉ có 7 trong số 29 mục tiêu mà Bộ Quốc phòng Nga chỉ định không bị nhắm trúng trong các cuộc không kích đầu tuần này.
"Nhưng các mục tiêu này đang được dần hoàn thành. Ít nhất ở thời điểm hiện tại không cần tiến hành các cuộc tấn công lớn", ông Putin nói.
Nguy cơ căng thẳng gia tăng khi Nga và NATO cùng tập trận hạt nhân: NATO sẽ tổ chức cuộc tập trận hạt nhân theo đúng kế hoạch tại Tây Âu vào tuần tới, trong khi Nga cũng có một cuộc tập trận thường niên tương tự vào thời điểm này trong năm.
>>> Nguy cơ căng thẳng gia tăng khi Nga và NATO cùng tập trận hạt nhân
Lý do Nga quyết định tăng cường sản xuất quy mô lớn UAV trong xung đột ở Ukraine: Nga cần tăng cường sản xuất các loại UAV khác nhau sau khi chúng cho thấy khả năng chiến đấu hiệu quả trong cuộc xung đột ở Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay.
Nhận định trên Telegram, ông Medvedev cho biết: "UAV đã chứng minh tính hiệu quả trong xung đột hiện đại. Việc sử dụng chúng ở khu vực thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay là một nhu cầu cấp bách".
Nga và các nước Trung Á nhất trí hợp tác cùng có lợi về kinh tế: Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Astana, Tổng thống Nga V.Putin và lãnh đạo các nước Trung Á đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kinh tế sâu rộng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Nga-Trung Á được tổ chức theo sáng kiến của Moscow, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của nước này với 5 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình ở Afghanistan. Tổng thống Nga V.Putin lưu ý rằng, hơn bao giờ hết cần phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế.
EU đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan vì xung đột ở Ukraine: Nguồn quỹ của EU để hỗ trợ các nước thành viên thay thế vũ khí sau khi họ cung cấp vũ khí của mình cho Ukraine chưa bằng một nửa so với các yêu cầu bồi hoàn được gửi tới Brussels, Politico đưa tin ngày 14/10.
Không lâu sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, EU cho biết liên minh này sẽ hoàn lại tài chính cho các nước thành viên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Brussles đã huy động 500 triệu euro để thực hiện điều này nhưng khi những yêu cầu đầu tiên được gửi tới, số tiền này chỉ đủ để chi trả cho 85% yêu cầu, các nguồn tin nhận định với Politico. Khoản ngân sách mà EU huy động sau đó đã tăng lên 1,5 tỷ euro nhưng theo một số nhà ngoại giao giấu tên, con số này vẫn chưa đủ. Ước tính hiện nay con số trên chỉ đáp ứng 46% yêu cầu bồi hoàn từ các nước thành viên.
Mỹ tiếp tục viện trợ 725 triệu USD vũ khí cho Ukraine: Mỹ sẽ viện trợ thêm 725 triệu USD vũ khí cho Ukraine. Số vũ khí này sẽ được lấy từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc. Tổng thống Biden đã chỉ thị cung cấp các lô vũ khí này cho Kiev vào hôm 14/10. Sau đó, Lầu Năm Góc nói rõ rằng gói viện trợ mới này sẽ bao gồm đạn dược dành cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, hàng ngàn viên đạn pháo 155mm và hơn 200 xe ô tô Humvee. Tuy nhiên, gói viện trợ sẽ không bổ sung vũ khí phòng không.
EU cảnh báo phản ứng quân sự nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: EU sẽ phản ứng nếu Moscow tấn công hạt nhân vào Ukraine, người phát ngôn EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Nabila Massrali cho hay ngày 14/10.
Trước đó, Cao ủy EU về chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell đã có những nhận định nghiêm túc về những phản ứng quân sự với Nga. Ngày 13/10, ông Borrell khẳng định sẽ có "câu trả lời mạnh mẽ về quân sự" nếu Moscow tiến hành tấn công hạt nhân Ukraine.
Bà Massrali cho biết, những tuyên bố này không phải là lời nói suông, đồng thời nhắc lại việc kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã thực hiện những biện pháp chưa từng có để ủng hộ Kiev ở mọi cấp độ, bao gồm cả quân sự.
Tổng thống Putin nói chiến dịch quân sự đặc biệt là kịp thời: Trong một cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan hôm 14/10, Tổng thống Nga Putin đã được hỏi rằng liệu ông có hối tiếc về quyết định mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine hay không.
Trả lời câu hỏi này, Tổng thống Putin khẳng định hành động quân sự của Nga tại Ukraine là kịp thời và đúng đắn. Ông nói: "Mọi thứ đang diễn ra hôm nay quả là không dễ chịu chút nào. Nhưng nếu hành động quân sự của chúng tôi xảy ra trễ hơn một chút, tình hình sẽ tệ hơn đối với chúng tôi".
Các quốc gia EU đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga: Ba Lan và bốn quốc gia EU vừa đề xuất với Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì các cuộc xung đột gần đây ở Ukraine. Trong đề xuất của họ với EC, Ba Lan cùng với Litva, Latvia, Estonia và Ireland cho rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Nga nhằm vào các khu vực dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine đòi hỏi khối này phải có những biện pháp cứng rắn hơn đối với Moscow.
Nghi vấn Ukraine tập kích tên lửa vào các khu vực ở biên giới của Nga: Sau khi bị Nga tập kích tên lửa để đáp trả vụ nổ cầu Crimea, Ukraine dường như đã phản công bằng loạt tên lửa phóng vào các thành phố, thị trấn của Nga nằm dọc biên giới 2 nước.
>>> Nghi vấn Ukraine tập kích tên lửa vào các khu vực ở biên giới của Nga
Nga đưa quân tới Belarus: Chuyến tàu đầu tiên chở binh lính Nga đã đến Belarus, Bộ Quốc phòng Belarus cho hay ngày 15/10. Động thái này diễn ra sau khi Moscow và Minsk nhất trí hồi đầu tuần về việc triển khai lực lượng chung nhằm phản ứng trước việc tăng cường quân sự của NATO ở biên giới của Belarus./.