Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/12
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 15/12/2024.
Nga tấn công dồn dập Ukraine trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1 năm tới: Thống kê cho thấy, Nga gia tăng cường độ tấn công Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025. Nga đang chấp nhận những thương vong không nhỏ để có bước tiến lớn trên thực địa.
Tương ứng với giai đoạn từ tháng 9-11/2024, các cuộc tấn công trên bộ của Nga gia tăng mạnh và đều đặn. Thành quả lãnh thổ mà Nga giành được cũng tăng lên theo. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washingtin) ước tính Nga chiếm thêm được trung bình 22km2 mỗi ngày trong tháng 10/2024 và thêm 27km2 mỗi ngày trong tháng 11/2024.
Nga rơi vào thế buộc phải thắng Ukraine sau khi chế độ Assad sụp đổ: Sự kiện chính quyền Tổng thống Syria Assad (đồng minh của Nga) sụp đổ chóng vánh đã ít nhiều tác động tiêu cực lên hình ảnh của Nga, tạo sức ép lớn buộc nước này phải giành chiến thắng quyết định ở Ukraine để bù đắp những tổn thất không nhỏ của Moscow tại Tây Á và những nơi khác.
Sự kiện chấn động tại Syria có thể trở thành một lực đẩy mạnh khiến Nga quyết tâm giành mục tiêu địa chính trị lớn hơn - đó là chiến thắng trong xung đột quân sự với Ukraine.
Cựu Ngoại trưởng Kuleba cảnh báo xung đột Ukraine sẽ lan tới các thành phố EU: Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vừa cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng nếu Ukraine không giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga thì chiến sự sẽ lan sang các thành phố của EU.
Cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng Nga không đủ lực để tiến hành nhiều cuộc chiến cùng một lúc - điều này được minh chứng qua sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Syria Assad được Moscow hậu thuẫn. Tuy nhiên, ông Kuleba nhận định rằng Tổng thống Nga Putin vẫn có đủ lực để tiến hành từng cuộc chiến vào mỗi thời kỳ. Từ đó, ông cảnh báo rằng nếu Ukraine thất thủ, phần còn lại của châu Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắn của Nga.
Rộ tin Ukraine tập kích kho dầu trong lãnh thổ Nga, gây cháy nổ lớn: Các kênh Telegram của Nga đưa tin, các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tập kích một kho dầu tại thành phố Oryol của Nga vào rạng sáng 14/12, gây ra cháy nổ lớn tại đây.
Video do cư dân địa phương Nga quay và chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một UAV lao vào một bể dầu gây ra những vụ nổ trong kho dầu tại Oryol. Người dân tại thành phố Nga nói trên thông báo nghe thấy những tiếng nổ vang lên.
Nga tuyên bố muốn hoà bình lâu dài, không muốn đình chiến ở Ukraine: Ngày 13/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga muốn hòa bình lâu dài, không muốn thoả thuận ngừng bắn tạm thời ở Ukraine.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Peskov, thỏa thuận ngừng bắn không phải điều mà Nga mong muốn, Nga muốn “hoà bình sẽ đến khi các điều kiện của nước này được đáp ứng”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, về ý tưởng cử 1 đội quân châu Âu đến Ukraine trong trường hợp đình chiến, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, cần thảo luận về vấn đề này trong các cuộc đàm phán.
Tổng Thư ký NATO lên kế hoạch thảo luận về khả năng ngừng bắn ở Ukraine: Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte ngày 13/12 xác nhận sẽ triệu tập một cuộc họp tại Brussels trong ngày 18/12 với sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên là Anh, Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, và đại diện của Ukraine.
Theo Đài phát thanh Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự cuộc họp này để thảo luận về chính sách hỗ trợ dành cho Kiev trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Cuộc họp dự kiến sẽ đề cập đến những biện pháp đảm bảo an ninh trong tương lai dành cho Kiev từ các đối tác của nước này và khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine trong trường hợp ngừng bắn.
Ông Medvedev cáo buộc phương Tây tìm cách xóa bỏ tiếng Nga ở Ukraine: Theo TASS, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev mới đây cho rằng phương Tây đang cố gắng tìm cách xóa bỏ tiếng Nga ở Ukraine cũng như ký ức lịch sử chung giữa Kiev và Moscow.
Ông Medvedev mô tả các nỗ lực của phương Tây là “những cuộc thí nghiệm mổ xẻ xã hội” và so sánh chúng với chính sách ngôn ngữ mà Nhật Bản đã thực hiện ở Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20.
Theo ông Medvedev, phương Tây - bên cạnh chính sách bơm vũ khí cho Ukraine - còn điều hành đất nước này bằng những công nghệ chính trị dựa trên sức mạnh mềm và thông qua mạng lưới các tổ chức phi chính phủ (NGO) dưới quyền kiểm soát của các cơ quan đặc biệt Mỹ và châu Âu.
Thủ tướng Đức khẳng định tiếp tục viện trợ cả quân sự và kinh tế cho Ukraine: Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Ukraine lần thứ 7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ủng hộ Ukraine không chỉ thông qua viện trợ quân sự mà còn thông qua viện trợ kinh tế.
Theo ông Scholz, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ các hệ thống phòng không (bao gồm 3 hệ thống Patriot, năm hệ thống Iris-T SLM với hệ thống thứ sáu đang trên đường triển khai và thêm pháo tự hành Gepard) và hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng. Đức không chỉ cung cấp bảo lãnh an ninh cho Ukraine mà còn hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ và cuối cùng là đầu tư vào Ukraine là đầu tư vào một thành viên Liên minh châu Âu (EU) tương lai.
Ông Scholz tái khẳng định sự ủng hộ của Berlin đối với một nền hòa bình công bằng và lâu dài, nhấn mạnh rằng sẽ không có thỏa thuận nào đạt được nếu không có sự tham gia của Ukraine.