Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 18/9
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 18/9/2024.
Nga không kích như vũ bão vào các thành phố Ukraine. Các nhà chức trách Ukraine hôm 16/9 cho biết họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga vào Kiev trong sáng sớm. Theo đó, đây là cuộc tấn công thứ tám vào thủ đô của Ukraine chỉ trong hơn 2 tuần, đánh dấu sự leo thang của Nga trong chiến dịch không kích nhắm vào thành phố này.
Người đứng đầu chính quyền quân sự tại Kiev Serhii Popko thông báo, các lực lượng của Ukraine đã bắn hạ hàng chục UAV của Nga quanh Kiev và lực lượng không quân Ukraine cho biết đã đánh chặn 53 trong số 56 UAV của Nga trong đêm. Ông Popko cũng nhận định, trái với các cuộc tấn công gần đây, cuộc tấn công lần này có quy mô lớn và cảnh báo không kích đã được đưa ra lúc 2 giờ sáng ở thủ đô, có hiệu lực trong khoảng 3 tiếng rưỡi.
Giao tranh ác liệt ở Kursk. Quân đội Nga và Ukraine giao tranh ác liệt với nhau ở khu vực Kursk thuộc phía Tây nước Nga sau khi Kiev tiến hành cuộc đột kích xuyên biên giới vào tháng trước, chiếm được một số ngôi làng và một thị trấn nhỏ.
Tình hình giao tranh trong khu vực liên tục biến động khi cả hai bên đều tiến hành các cuộc phản công. Nga đã xoay xở để giành lại một số ngôi làng trong những ngày qua nhưng các lực lượng của Ukraine đã tiến vào một khu vực mới mặc dù hiện chưa rõ họ đã kiểm soát được vùng lãnh thổ này hay chưa.
Các cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào Kiev chủ yếu sử dụng UAV, trong khi trước đó cùng với UAV, Moscow thường sử dụng các loại vũ khí khác như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Nga từng sử dụng UAV để thăm dò phòng tuyến Ukraine và làm cạn kiệt vũ khí phòng không của Kiev nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn hơn trong tương lai.
Ukraine tung chiến thuật mới, chặn Nga “tiếp lửa” cho mặt trận Kursk. Các lực lượng Ukraine đang theo đuổi một chiến thuật mới, nhắm mục tiêu và phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông của Nga ở khu vực Kursk, đặc biệt là các tuyến đường bộ và những cây cầu bắc qua sông Seim nhằm cản trở lực lượng tiếp viện của Nga. Tuy nhiên, chiến lược này có thể mang lại nhiều rủi ro, vì khi Ukraine mở rộng quá mức chiến tuyến, họ có nguy cơ mất các trung tâm đô thị quan trọng như Pokrovsk và Vuhledar ở Donbass, nơi Nga đang đạt được những bước tiến lớn.
Sử dụng hình ảnh vệ tinh, tình báo Anh xác nhận, Ukraine đã phá hủy các cầu đường bộ và cầu phao, bằng việc sử dụng máy bay không người lái tự sát và tên lửa. Các cuộc tấn công nhằm mục đích duy trì sự hiện diện của Ukraine bên trong nước Nga và buộc Moscow rút khỏi các tiền tuyến chính ở miền Đông.
Nga tấn công quy mô lớn vào vùng Sumy của Ukraine. Ngày 17/9, chính quyền Ukraine cho biết Nga đã tấn công hàng loạt cơ sở hạ tầng tại vùng Sumy giáp biên giới, gây mất điện tại một số khu vực. Cuộc tấn công đã gây thiệt hại tại các quận Konotop, Okhtyrka, Sumy và các cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng hệ thống điện dự phòng. Các cơ sở cung cấp nước tại Sumy cho biết cuộc tấn công đã gây mất điện vào ban đêm, khiến họ phải chuyển sang nguồn điện khẩn cấp.
Quyền thị trưởng Sumy, ông Artem Kobzar, cho biết không có thương vong nào trong thành phố. Lực lượng phòng không đã bắn hạ 16 máy bay không người lái ở Sumy. Trong khi đó, không quân Ukraine cho biết Nga đã triển khai 51 máy bay không người lái tấn công khắp nước này trong đêm và 34 máy bay trong số đó đã bị bắn hạ.
Ukraine cảnh báo mối đe dọa đạn đạo từ Crimea. Không quân Ukraine trên Telegram cho biết, rạng sáng nay 17/9, lệnh báo động đỏ đã được ban bố do xuất hiện mối đe dọa đạn đạo từ Crimea.
Thông báo viết: "Mối đe dọa sử dụng đạn đạo từ Crimea". Do mối đe dọa này, một cảnh báo không kích đã được ban bố ở một số khu vực của Ukraine.
Đan Mạch sắp chuyển thêm tiêm kích F-16 cho Ukraine. Chính phủ Đan Mạch cam kết chuyển lô tiêm kích F-16 thứ hai cho Ukraine vào cuối năm nay, sau lô đầu tiên bàn giao hồi tháng 7.
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine lô tiêm kích F-16 tiếp theo vào nửa cuối năm 2024”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen thông báo hôm 15/9, nhưng không tiết lộ số lượng tiêm kích và thời điểm chuyển giao cụ thể vì lý do an ninh.
NATO kêu gọi thành viên tự quyết gỡ rào vũ khí cho Ukraine. Tổng thư ký NATO nói rằng các nước thành viên nên tự ra quyết định gỡ rào vũ khí cho Ukraine, thừa nhận mọi lựa chọn đều có rủi ro.
“Tôi hoan nghênh những động thái đó, quyết định cuối cùng sẽ do từng quốc gia thành viên đưa ra. Các nước đồng minh có chính sách khác nhau trong vấn đề này”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời đài LBC của Anh ngày 16/9.
Ông Stoltenberg thừa nhận “không có lựa chọn nào là không mang rủi ro trong xung đột”, đề cập lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin rằng gỡ rào vũ khí cho Kiev sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Nga.