Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 19/10
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 19/10/2024.
Nga đánh giá năng lực đơn vị tên lửa hạt nhân. Nga đang kiểm tra khả năng chiến đấu của đơn vị được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars ở khu vực phía Tây Bắc Moscow.
Tên lửa Yars có thể triển khai trong hầm chứa hoặc gắn trên bệ phóng di động, có tầm bắn lên tới 11.000 km và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Năm nay, Nga tiến hành loạt cuộc tập trận hạt nhân, nhiều nhà phân tích an ninh cho rằng đây là động thái nhằm chuẩn bị cho kịch bản phương Tây can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine.
Trong cuộc thử nghiệm mới nhất, đơn vị ở vùng Tver sẽ thực hành di chuyển tên lửa Yars trên thực địa với khoảng cách lên tới 100 km dưới lớp ngụy trang và bảo vệ chúng trước cuộc tấn công trên không của đối phương.
Sự việc mới nhất diễn ra cùng thời điểm NATO tiến hành cuộc tập trận hạt nhân thường niên và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy công bố "kế hoạch chiến thắng".
Ukraine tháo chạy hàng loạt ở Kursk. Kênh Military Summary đưa tin, trên mặt trận Kursk, quân đội Ukraine (AFU) đang tháo chạy khỏi Lyubimovka. Cảnh quay bằng UAV Nga cho thấy binh sĩ Kiev đã vứt bỏ vũ khí trang bị hạng nặng và xe cơ giới.
Giao tranh nổ ra dữ dội ở Kupyansk. Tại đây, quân đội Nga (RFAF) đang tấn công về phía sông Oskil, xa hơn về phía nam Pichschane, họ cũng được cho là đã chiếm được ngọn đồi quan trọng.
Sau tình hình không rõ ràng ở Siversk, các hình ảnh định vị địa lý cho thấy RFAF đột phá về phía bắc Verkhnokamianske. Họ chiếm phần lớn "Núi Trắng", ngọn đồi lớn nhất trong khu vực.
Đức công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine. Ngày 17/10, Chính phủ Đức đã công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, bao gồm xe tăng, tên lửa dẫn đường, máy bay không người lái và thiết bị trinh sát UAV...
Trong thông cáo chính thức, Chính phủ Đức cho biết lần viện trợ quân sự này sẽ tăng cường nhiều thiết bị quân sự mang tính chiến lược dành cho Ukraine như xe tăng, xe bọc thép, xe dò mìn, hệ thống phòng không Patriot… Đáng chú ý nhất là việc Berlin bàn giao cho Kiev loạt tên lửa dẫn đường AIM-9L, 4.000 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công và hơn 300 UAV trinh sát. Tất cả các thiết bị này đều nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, vốn chịu tổn thất nặng nề từ các cuộc không kích từ phía Nga.
Cũng trong thông cáo, Chính phủ Đức cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị khoảng 28 tỷ euro. Con số này hiện là 7,1 tỷ euro cho năm 2024.
“Lằn ranh đỏ” của ông Zelensky có đủ sức đưa Ukraine gia nhập NATO? Ngày 17/10, ông Zelensky tiết lộ đã nói với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Ukraine cần phải được kết nạp vào NATO hoặc Kiev sẽ theo đuổi vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Đây được xem là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kiev đưa ra cảnh báo hạt nhân trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn căng thẳng.
"Khi trò chuyện với ông Trump, tôi đã nói với ông ấy rằng chỉ có con đường gia nhập NATO hoặc chúng tôi sở hữu vũ khí hạt nhân mới được xem là lối thoát cho tình cảnh hiện nay. Chúng tôi cần tham gia vào một liên minh mà hiện tại không có liên minh nào hiệu quả ngoại trừ NATO", Tổng thống Ukraine nói.
Kiev thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, ước tính có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, Ukraine đã bàn giao lại số vũ khí này và đổi lại, Kiev nhận được lời hứa đảm bảo an ninh từ Nga, Anh và Mỹ.
Ukraine phủ nhận có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. Ukrainska Pravda đưa tin, Bộ Ngoại giao Ukraine đã phủ nhận những ám chỉ từ các nguồn tin giấu tên trong bài đăng của báo Bild (Đức) về kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Ukraine.
Ông Georgy Tikhy, một quan chức ngoại giao Ukraine, tuyên bố: "Chúng tôi chính thức bác bỏ những ám chỉ từ các nguồn tin giấu tên trong báo Bild về cáo buộc Ukraine có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kiev đã và vẫn là một bên tham gia trung thành vào Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (sau đây gọi là NPT), mà chúng tôi đã tham gia vào năm 1994, sau khi từ bỏ tiềm lực hạt nhân quân sự mạnh thứ ba thế giới"."
Thêm một nước NATO cho phép Ukraine dùng F-16 tấn công lãnh thổ Nga. Hà Lan cho phép Ukraine sử dụng máy bay F-16 do nước này cung cấp để tấn công sâu vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans ngày 17/10 cho biết: "Hà Lan đã chuyển giao những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine và các máy bay này đang hoạt động trong không phận Ukraine. Chúng tôi luôn nhấn mạnh, Ukraine cần tuân thủ luật pháp quốc tế".
Theo ông Ruben Brekelmans, luật pháp quốc tế không có bất kỳ hạn chế nào về khoảng cách và không dừng lại ở biên giới hoặc cách biên giới 100 km. Do đó, Hà Lan cho phép Ukraine sử dụng F-16 để tự vệ, có thể là đánh chặn tên lửa hoặc tấn công các sân bay ở Nga. Điều đó có thể thực hiện với các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga hoặc không phận Nga.
Ukraine mất 40 xe tăng Leopard từ tháng 2/2022. Theo Sputnik, Ukraine mất khoảng 40 xe tăng Leopard kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 đến nay. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Lực lượng Nga đã phát triển chiến thuật phá hủy xe tăng Leopard ngay từ ngày đầu tiên chúng được triển khai ở Ukraine và đến nay, Nga đạt được thành công lớn. Đặc biệt, quân đội Nga phá hủy nhiều xe tăng Leopard 2A6 ở khu vực Svatovsk. Một xe tăng Leopard 2A6 thậm chí còn bị thu giữ và sau đó được trưng bày ở Moscow.