Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 19/11
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 19/11/2024.
Tổng thống Biden "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí Mỹ tầm xa: Khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên cho phép quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí tầm xa của Mỹ như ATACMS để tấn công lực lượng Nga ở cả những nơi như tỉnh Kursk.
Giới chức Mỹ cho biết, có khả năng lần này các vũ khí tầm xa như ATACMS sẽ được triển khai đầu tiên ở Kursk để bảo vệ lực lượng Ukraine đang bám trụ tại đây trước cuộc phản kích của liên quân Nga - Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, quyết định lần này của Tổng thống Biden là nhằm đáp trả điều mà phương Tây gọi là hoạt động triển khai quân Triều Tiên trên đất Nga để hỗ trợ quân đội Nga chiến đấu với lực lượng Ukraine.
Nga phản ứng sau khi Mỹ cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS: Quyết định của Washington khi cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất có thể làm leo thang xung đột ở Ukraine và có thể dẫn đến Thế chiến III, 3 nghị sĩ cấp cao Nga cho hay ngày 17/11.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky nói rằng việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa chiến thuật ATACMS sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moscow, các hãng thông tấn Nga đưa tin.
"Các cuộc tấn công bằng tên lửa Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga không thể tránh khỏi việc leo thang nghiêm trọng, đe dọa gây ra những hậu quả lớn hơn nhiều", Tass dẫn lời ông Slutsky cho hay.
Sau Mỹ, Pháp và Anh “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga: Truyền thông Mỹ và châu Âu ngày 17/11 đồng loạt đưa tin, Mỹ, Pháp và Anh đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do những nước này cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Điều này đồng nghĩa với việc Lực lượng vũ trang Ukraine hiện có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ bằng tên lửa ATACMS của Mỹ mà còn bằng SCALP và Storm Shadow. Trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cho phép sử dụng những loại vũ khí này nhưng Mỹ luôn giữ lập trường thận trọng.
Tên lửa Đức không phải là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong xung đột Nga-Ukraine: Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc chuyển giao tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.
“Tên lửa Taurus sẽ không phải là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Nhiệm vụ của các nước châu Âu chúng tôi trong cuộc chiến là rất khác nhau. Bây giờ chúng tôi phải đảm bảo rằng Ukraine tiếp tục nhận được nguồn viện trợ lâu dài”, ông Pistorius cho biết khi được hỏi về việc liệu Đức có nên xem xét lại quyết định không cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus hay không.
Những lá bài mặc cả Nga muốn thâu tóm trước khi ông Trump nhậm chức: Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện Nga đang muốn nắm trong tay rất nhiều con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán tương lai.
Trong bối cảnh tình hình chiến trường diễn biến phức tạp, Nga dường như đang hy vọng rằng sẽ giành lại những vùng lãnh thổ mà Ukraine chiếm giữ tại tỉnh Kursk, tiến sâu hơn vào miền Đông Ukraine và mở một trục mới ở tỉnh Zaporizhzhia có thể giúp họ chiếm ưu thế trước khi ông Trump nhậm chức.
Câu hỏi bỏ ngỏ khi Ukraine được tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ: Tổng thống Joe Biden ngày 17/11 đã đảo ngược chính sách lâu nay của Mỹ, đồng ý cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, liệu quyết định này của ông chủ Nhà Trắng có thể thay đổi cục diện chiến sự Nga-Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Việc cung cấp ATACMS có lẽ sẽ không đủ để xoay chuyển cục diện xung đột. Nhiều loại vũ khí tiên tiến của Nga, chẳng hạn như máy bay phản lực, đã được chuyển đến các sân bay xa hơn bên trong nước Nga để chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách vũ khí với Ukraine. Tuy nhiên, quyết định thay đổi chính sách này có thể mang lại cho Ukraine một số lợi thế vào thời điểm quân đội Nga đang giành được nhiều thắng lợi ở các mặt trận phía Đông và tinh thần chiến đấu của các binh sĩ đang xuống thấp.
Ông Trump có thể đảo ngược quyết định của ông Biden về gỡ rào vũ khí cho Ukraine:
Tổng thống tiếp theo của Mỹ ông Donald Trump, có thể sẽ xem xét lại quyết định của người tiền nhiệm về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
“Tôi cho rằng hầu hết mọi thứ đều sẽ được xem xét lại. Ở bất cứ thời điểm nào, nước Mỹ cũng chỉ có một tổng thống, Cho đến chiều ngày 20/1/2025, Tổng thống Mỹ là ông Joe Biden. Việc cho phép [Ukraine] sử dụng các loại tên lửa tầm xa là quyết định của ông ấy, nhưng điều đó sẽ không kéo dài hơn”, một thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Trump cho biết.
Nga chặn UAV Ukraine tấn công Moscow: Bộ Quốc phòng Nga cho biết đơn vị phòng không của Nga phá hủy 59 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm, bao gồm hai máy bay đang hướng về phía Moskva.
Quân đội Nga phá hủy khoảng 45 máy bay không người lái của Kiev trên vùng Bryansk, giáp biên giới với Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông tin thêm ngoài hai chiếc bị bắn hạ ở khu vực Moskva, nhiều máy bay không người lái khác cũng bị phá hủy ở khu vực Kursk, Belgorod và Tula.
"Theo thông tin sơ bộ, không có thiệt hại hay thương vong nào tại địa điểm mảnh vỡ máy bay không người lái rơi xuống", Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin viết trên Telegram.