Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/5
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng chú ý về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 2/5/2024.
Số phận vũ khí Mỹ trên chiến trường Ukraine khi Nga tìm ra cách đối phó: Một vũ khí dẫn đường chính xác khác của Mỹ dường như đã bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga đánh bại, một quan chức Lầu Năm Góc cho hay.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết phiên bản mới của vũ khí chính xác của Mỹ đã không thể tấn công các mục tiêu của Nga một phần là do hệ thống tác chiến điện tử của Moscow.
Ông LaPlante nhận định với những người tham gia hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng, vũ khí phóng từ mặt đất - một phiên bản của hệ thống không đối đất đã được phát triển nhanh chóng và được triển khai ở Ukraine sau các cuộc thử nghiệm an toàn tương đối hạn chế và hầu như không thử nghiệm vận hành.
Khi vũ khí này đến Ukraine, "nó không hoạt động vì nhiều lý do", ông LaPlante nói. Theo ông, những lý do này bao gồm việc gây nhiễu điện từ và các vấn đề phức tạp khi phóng vũ khí từ mặt đất. Trong khi ông LaPlante không xác nhận đó là vũ khí gì thì các chuyên gia nhận định với Defense One rằng họ nghi ngờ vũ khí này là Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất mà Ukraine dường như đã bắt đầu sử dụng vào tháng 2/2024.
Thượng viện Mỹ cấm nhập khẩu uranium của Nga: Thượng viện Mỹ hôm qua (30/4) thông qua đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật với sự nhất trí cao, không có thượng nghị sĩ nào phản đối. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật.
Dự luật sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành. Dự luật cũng cho phép cấp 2,7 tỷ USD theo các luật trước đây để xây dựng ngành công nghiệp chế biến uranium tại Mỹ.
Mỹ sẽ tịch thu tài sản của Nga như thế nào?: Mỹ và các đồng minh đã đóng băng 300 tỷ USD tài sản ở nước ngoài của Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Số tài sản này phần lớn nằm ở nước châu Âu và có khoảng 5 tỷ USD trong số đó là ở Mỹ.
Mặc dù Nga không thể tiếp cận các tài sản đã bị Mỹ và phương Tây phong tỏa, nhưng chúng vẫn thuộc về Nga. Thông thường các nước có thể dễ dàng phong tỏa tài sản nhưng việc tịch thu tài sản đó và sử dụng chúng vì lợi ích của Ukraine đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Trong hơn một năm qua, các nước phương Tây vẫn bất đồng về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản Nga và gửi cho Ukraine.
Nga có thể chế các loại vũ khí lợi hại mới từ chính chiến lợi phẩm NATO: Trong xung đột với Ukraine, quân đội Nga đã tịch thu được nhiều vũ khí khí tài do NATO cung cấp. Kỹ sư Nga tháo rời và phân tích các vũ khí khí tài này, tìm ra điểm yếu của chúng để xây dựng biện pháp đối phó cũng như phát triển các loại vũ khí Nga lợi hại.
Khi NATO tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tối tân trị giá nhiều tỷ USD, quân đội Nga cũng thu được trên chiến trường Ukraine rất nhiều vũ khí như vậy gồm xe tăng Leopard 2 của Đức, xe chiến đấu bộ binh Marder và các loại xe thiết giáp chiến đấu tương tự của Mỹ, Pháp và các nước khác quyên góp cho Ukraine như Bradley M2A2, CV 9040... Nga sắp sửa triển lãm số "chiến lợi phẩm" này ở thủ đô Moscow.
Tên lửa ATACMS của Ukraine có thể khiến Crimea "hết giá trị quân sự"?: Tuần trước, New York Times cho biết Mỹ đã âm thầm chuyển cho Ukraine 100 tên lửa ATACMS tầm xa và Kiev đã đưa các tên lửa này vào sử dụng.
Mỹ trước đó từng gửi ATACMS với tầm bắn ngắn hơn vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, phiên bản tên lửa được gửi gần đây có thể bay được tới 300km, đặt các mục tiêu có giá trị cao hơn vào tầm ngắm của Ukraine. Các mục tiêu này bao gồm Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014 và có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự tại chiến trường Ukraine.
Philip Karber, một nhà phân tích quân sự có chuyên môn về Ukraine, cho rằng "việc chuyển giao ATACMS là một bước đột phá lớn". Ông cho biết loại vũ khí này "về cơ bản có thể khiến Crimea trở nên mất đi giá trị về mặt quân sự".
Thế nguy chưa từng thấy của Ukraine khi Nga chọc thủng phòng tuyến phía Đông: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế của mình trong khi gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine. Có nơi Nga đã chọc thủng phòng tuyến Ukraine.
>>> Thế nguy chưa từng thấy của Ukraine khi Nga chọc thủng phòng tuyến phía Đông