Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 29/1
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 29/1.
Nga tố Ukraine tấn công vào bệnh viện dân sự ở Lugansk khiến 14 người thiệt mạng. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng và 24 người khác bị thương sau khi quân đội Ukraine tấn công một bệnh viện ở thành phố Novoaydar sáng 28/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. Bệnh viện này, nằm ở trung tâm Cộng hòa Nhân dân Lugansk và cách tiền tuyến hàng chục km, đã điều trị cho người dân địa phương cũng như binh lính. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, trong số các nạn nhân có cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
“Cuộc tấn công tên lửa có chủ ý vào một cơ sở chăm sóc sức khỏe dân sự là một tội ác chiến tranh nghiêm trọng của chế độ Kiev”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong một bài đăng trên Telegram, đồng thời cam kết sẽ đưa tất cả những người tham gia lập kế hoạch và thực hiện vụ tấn công ra trước công lý.
Nhóm Wagner của Nga tuyên bố kiểm soát khu định cư Blagodatnoye gần Soledar. Ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner, cho biết khu định cư Blagodatnoye gần thị trấn Soledar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) đã nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng Nga.
“Các đơn vị của Wagner PMC đã kiểm soát khu định cư Blagodatnoye. Hiện Blagodatnoye nằm trong sự kiểm soát của chúng tôi”, tuyên bố của ông Prigozhin đăng tải trên kênh Telegram cho biết. Bài đăng được kèm theo bản ghi âm bình luận của một chỉ huy đơn vị tấn công đã đến vùng ngoại ô phía Nam của Blagodatnoye.
Ukraine đang đàm phán với các đồng minh về tên lửa tầm xa. Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak phát biểu với mạng truyền hình Freedom cho biết: “Để giảm đáng kể vũ khí chủ chốt của quân đội Nga - các hệ thống pháo mà họ đang sử dụng ở tiền tuyến - chúng tôi cần tên lửa có thể phá hủy kho vũ khí của họ”. Theo ông Podolyak, các cuộc đàm phán đã được tiến hành và diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
Tổng thống Zelensky trong một bài phát biểu qua video tối 28/1 cũng nhấn mạnh: “Ukraine cần tên lửa tầm xa để tước đi cơ hội của Nga đặt bệ phóng tên lửa ở vị trí cách xa tiền tuyến và phá hủy các thành phố của Ukraine”.
Hãng tin trực tuyến Babel của Ukraine cho biết lực lượng không quân Ukraine bác thông tin cho rằng họ có ý định mua 24 máy bay chiến đấu từ các đồng minh.
Trước đó, tờ El Pais của Tây Ban Nha dẫn lời người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuri Ihnat cho biết, ban đầu Kiev muốn có hai phi đội, mỗi phi đội 12 máy bay, tốt nhất là F-16. Theo ông Ihnat nói rằng F-16 có thể là lựa chọn tốt nhất để thay thế phi đội máy bay chiến đấu cũ kỹ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố với Babel, ông Ihnat cho biết những bình luận của ông trong cuộc họp báo trước đó đã bị hiểu sai. “Ukraine mới chỉ ở giai đoạn đàm phán liên quan đến máy bay. Các mẫu máy bay và số lượng hiện đang được xác định”, ông nói.
Thủ tướng Scholz tiết lộ mục tiêu của Đức ở Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết mục tiêu mà Đức đang cố gắng đạt được bằng cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là ngăn chặn Moscow thay đổi biên giới bằng vũ lực. Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Đức cam kết cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine sau nhiều tuần chịu áp lực từ Mỹ và các đồng minh khác trong NATO.
Trong một bài phát biểu ngắn qua video ngày 28/1, ông Scholz nói rằng Đức đã theo đuổi chính sách 3 mũi nhọn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Ông xác định 3 khía cạnh đó là hỗ trợ Kiev về viện trợ nhân đạo, tài chính và vũ khí; làm việc để ngăn chặn leo thang, bởi “không nên xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO”; phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, đồng thời kiềm chế mọi hành động đơn phương. Thủ tướng Scholz khẳng định đây là cách tiếp cận mà chính phủ Đức sẽ kiên định trong tương lai.
Thủ tướng Hungary nói Ukraine khó giành chiến thắng trước Nga. Phát biểu với báo chí, ông Victok Orban nói, Nga đã khơi mào cuộc xung đột “một cách hạn chế”. Tuy nhiên sau đó họ đã sửa chữa những sai lầm và hiện giờ các cuộc tấn công của họ rất khó ngăn chặn. Do đó, các nỗ lực của Ukraine về lâu về dài sẽ là vô ích. Kiev khó có thể giành chiến thắng dù liên tục nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây. Nhà lãnh đạo Hungary cũng so sánh cuộc xung đột tại Ukraine với cuộc xung đột ở Afghanistan.
Ngay sau phát biểu này, Ukraine đã triệu tập đại sứ Hungary tại Kiev để phản đối những nhận xét của Thủ tướng Hungary Viktor Orban về Ukraine.
NATO sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga. Trả lời phỏng vấn truyền thông Bồ Đào Nha ngày 28/1, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Quân sự NATO, nhắc lại trong một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, liên minh này quyết định lập thêm 4 nhóm tác chiến đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Ông cho biết, động thái này nhằm đáp lại việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Đây là một tín hiệu quan trọng với Nga rằng chúng tôi sẵn sàng nếu họ quyết định đối đầu với NATO. Đó là lằn ranh đỏ và nếu có lằn ranh đỏ thì chính là việc lực lượng của Nga vượt qua biên giới của các thành viên NATO”, ông Bauer nói.
Mỹ đồng ý chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine để tạo “lá chắn” cho Đức. Dựa vào các nguồn tin “ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương”, bài báo của Washington Post nêu chi tiết Nhà Trắng đã đấu tranh như thế nào để thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người ban đầu phản đối việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine trừ khi Mỹ đồng ý chuyển xe tăng Abrams cho Kiev.
Theo Washington Post, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề xuất tuyên bố cam kết cung cấp xe tăng cho Kiev, nhưng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, như một phần của nhu cầu dài hạn trong một cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm. Điều đó có thể tạo cho Thủ tướng Đức Scholz một "lá chắn" mà ông cần để chấp thuận chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine, đồng thời cho Lầu Năm Góc thời gian để giải quyết những lo ngại về việc huấn luyện lực lượng Ukraine về cách sử dụng họ và tổ chức hậu cần cần thiết.