Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 30/9
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 30/9/2022.
Ba Lan nêu kịch bản NATO đưa quân vào Ukraine: Phát biểu trên Đài phát thanh RMF FM Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đã nêu kịch bản NATO đưa lực lượng tới Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh RMF FM, khi được hỏi NATO sẽ phản ứng thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân [ở Ukraine], Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết các nước phương Tây cùng với Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả một cuộc tấn công như vậy. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, hành động của NATO sẽ không có nhiều khác biệt so với những gì Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nêu.
Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây tạo ra xung đột ở các nước SNG: Ngày 29/9, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với những người đứng đầu các cơ quan an ninh và tình báo các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổng thống Nga Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách kích động các cuộc xung đột mới trong không gian SNG.
Tổng thống Nga ký sắc lệnh công nhận độc lập các khu vực Kherson và Zaporozhie: Tổng thống Nga Putin đã ký các sắc lệnh công nhận các khu vực Kherson và Zaporozhie là các lãnh thổ độc lập. Văn bản đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức.
Các tài liệu lưu ý rằng, Tổng thống Liên bang Nga đã đưa ra quyết định này phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực được chấp nhận chung của luật pháp quốc tế, công nhận và xác nhận nguyên tắc quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến ý chí của người dân trong khu vực trong một cuộc trưng cầu dân ý. Trong một sắc lệnh cho biết, "công nhận chủ quyền nhà nước và độc lập của khu vực Zaporozhie", trong sắc lệnh khác là "công nhận chủ quyền nhà nước và độc lập của khu vực Kherson." Các sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
Tổng thống Putin ký hiệp ước về sáp nhập 4 vùng Ukraine vào Nga: Tổng thống Putin đã ký các hiệp ước sáp nhập 4 vùng Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye) vào Nga. Các hiệp ước này sẽ được Tòa án Hiến pháp Nga kiểm chứng và Quốc hội Nga phê chuẩn.
Cụ thể, khi nhận được các văn bản này, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ đánh giá xem liệu các thỏa thuận đó có vi phạm luật pháp Nga hay không. Nếu không có vấn đề gì, các thỏa thuận này sẽ được Hạ viện Nga phê chuẩn trước rồi đến Thượng viện nước này.
Tổng thống Ukraine xin gia nhập NATO khẩn, phản ứng việc Nga sáp nhập 4 vùng: Nhà lãnh đạo Zelensky phản ứng gay gắt việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine. Ông thông báo Ukraine đang xin gia nhập NATO khẩn và sẽ “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ của mình khỏi sự kiểm soát của Nga.
Tổng thống Zelensky hôm 30/9 cho biết, Ukraine đang áp dụng tiến trình đẩy nhanh để trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Zelensky ký đơn xin gia nhập của Ukraine cùng với Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Denys Shmygal. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, “trên thực tế” Ukraine đã “hoàn thành con đường của chúng tôi” tiến tới gia nhập NATO.
Trước việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, Tổng thống Zelensky gọi đó là “trò hề”. Ông khẳng định, hòa bình chỉ có thể khôi phục với việc lực lượng chiếm đóng rút đi. Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố đàm phán với Nga là bất khả thi dưới thời Tổng thống Putin và chỉ khả thi khi nước Nga “có một tổng thống khác”.
Mỹ phản ứng sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ở Ukraine: “Mỹ lên án nỗ lực dối trá của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine. Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế, chà đạp lên Hiến chương Liên Hợp Quốc và coi thường các quốc gia hòa bình trên khắp thế giới”, Tổng thống Mỹ nói và cho biết thêm rằng, những hành động của Nga là “bất hợp pháp” và Mỹ sẽ tiếp tục tôn trọng đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.
Tổng thống Biden hoan nghênh các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và cho biết, Mỹ sẽ tập hợp cộng đồng quốc tế để vừa lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, vừa buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga ngừng "sáp nhập" và tránh leo thang: Người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa kêu gọi Nga hãy ngừng "sáp nhập" các vùng lãnh thổ của Ukraine và cảnh báo họ tránh "leo thang nguy hiểm".
Hôm 29/9, ông Guterres cảnh báo Nga chớ nên "sáp nhập" 4 vùng lãnh thổ của Ukraine và nói Nga thúc đẩy một bước "leo thang nguy hiểm". Ông kêu gọi Kremlin "lùi bước trước bờ vực".
Mỹ và đồng minh sẽ gia tăng áp lực lên Nga sau sáp nhập 4 vùng của Ukraine: Trước ý định của Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã hoàn tất kế hoạch phản ứng bằng các biện pháp gia tăng đáng kể áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Nga.
Các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố nhằm vào các thực thể bên trong Nga và những đối tượng bên ngoài có đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga, theo các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu. Các cam kết dài hạn được đưa ra để bảo đảm dòng chảy liên tục vũ khí phương Tây vào Ukraine.
Vụ rò rỉ đường ống khí đốt: Hội đồng Bảo an họp khẩn, châu Âu hỗ trợ điều tra: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (30/9) sẽ nhóm họp theo đề nghị từ phía Nga, sau khi dấy lên những đồn đoán về việc hai đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu đã bị tấn công có chủ đích.
Châu Âu cũng cam kết sẽ hỗ trợ Nga tiến hành điều tra sự cố vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 và 2 hồi đầu tuần này, đồng thời đưa ra phản ứng "mạnh mẽ" trước bất kỳ hành động phá hoại nào, nếu có, nhằm mục đích làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của khối.
Phát ngôn viên điện Kremlin: Hư hại Dòng chảy phương Bắc là hành động khủng bố: Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev, hôm 30/9 cho biết, Mỹ là bên hưởng lợi chính từ tình hình khẩn cấp tại đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.
Ông Patrushev phát biểu tại cuộc họp những người đứng đầu cơ quan tình báo các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập, tách ra từ Liên Xô): “Theo nghĩa đen từ những phút đầu tiên sau báo cáo về các vụ nổ trên đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2, phương Tây đã phát động một chiến dịch chủ động để tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, rõ ràng rằng bên hưởng lợi chính, chủ yếu là về kinh tế, là Mỹ”.
Hungary cảnh báo sẽ phản đối lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga: Một quan chức cấp cao Hungary cho biết, nếu các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga, nước này sẽ không ủng hộ.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cảnh báo, Budapest sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào năng lượng của Nga.
Tổng thống Nga-Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về tình hình Ukraine: Ngày 29/9, theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về hợp tác song phương và tình hình xung quanh Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ nhĩ kỳ đã ghi nhận động lực tiến bộ của quan hệ kinh tế-thương mại, tăng trưởng đáng kể của kim ngạch thương mại, đánh giá tích cực đối với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - trong khuôn khổ thực hiện các hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và cùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu./.