Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/2
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 3/2/2025.
Ukraine tiết lộ chiến thuật đánh hạ UAV nguy hiểm nhất của Nga: Lữ đoàn Magyar Birds của Ukraine tuyên bố, họ đã thiết kế một hệ thống sử dụng radar di động để cung cấp cảnh báo sớm về máy bay không người lái FPV đang bay tới cách xa vài km. Khi phát hiện ra mối đe dọa, đơn vị này sẽ phóng UAV để chặn máy bay không người lái của Nga trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Chỉ huy của lữ đoàn, ông Robert Brovdi, người có biệt danh "Magyar", tuyên bố: “Lữ đoàn đã tìm ra phương thức đầu tiên để phát hiện và tiêu diệt máy bay không người lái dẫn đường bằng sợi quang của Nga”. Theo chỉ huy Robert Brovdi, “quân đội Ukraine phải nhanh chóng trang bị các phiên bản radar di động sau mỗi 2-4 km tiền tuyến và triển khai UAV đánh chặn để tiêu diệt các UAV FPV sử dụng sợi cáp quang của đối phương”.
Thêm những tín hiệu cho cơ hội hòa bình Nga – Ukraine: Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng xác nhận chính quyền của ông đang có những liên lạc “nghiêm túc” với phía Nga để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, một dự thảo thỏa thuận hòa bình đang được xây dựng và các bên có thể sớm đàm phán về bản dự thảo này. Phía Ukraine hiện vẫn đang hoài nghi về kế hoạch của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ các cuộc đàm phán nào giữa Nga và Mỹ về cuộc xung đột cũng cần sự có mặt của nước này, thậm chí là cả Liên minh châu Âu.
Mỹ muốn Ukraine tổ chức bầu cử sau khi có thoả thuận ngừng bắn với Nga: Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 1/2, ông Keith Kellogg - đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, cho rằng các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Ukraine “cần phải diễn ra”. Ukraine hoãn các cuộc bầu cử này trong thời gian xung đột với Nga.
"Hầu hết các quốc gia dân chủ đều tổ chức bầu cử trong thời chiến. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Điều đó tốt cho nền dân chủ", ông Kellogg nói.
Tổng thống Mỹ Trump và ông Kellogg đều cho biết đang xây dựng kế hoạch để dàn xếp thoả thuận trong vài tháng đầu tiên của chính quyền mới, nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, cả hai đều tiết lộ rất ít về chiến lược chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, cũng chưa cho biết thời điểm sẽ công bố kế hoạch như vậy.
Tổng thống Ukraine Zelensky sợ bị gạt ra khỏi đàm phán Mỹ - Nga về chấm dứt xung đột: Ông Zelensky cho rằng Nga không muốn tham gia đàm phán ngừng bắn hoặc trao đổi về bất kỳ nhượng bộ nào, vì Điện Kremlin coi đó là thua cuộc, khi quân đội của họ đang chiếm ưu thế trên chiến trường.
Ông Zelensky tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán bằng cách đe dọa trừng phạt ngành năng lượng và ngân hàng của Nga, cũng như tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine. Trước đó, ông Trump cho biết các quan chức Mỹ và Nga đã trao đổi về việc chấm dứt chiến sự, rằng chính quyền của ông đã có các cuộc thảo luận "rất nghiêm túc" với Nga, nhưng không tiết lộ cụ thể.
"Họ có thể có mối quan hệ riêng, nhưng bàn bạc về Ukraine mà không có chúng tôi, điều đó rất nguy hiểm cho tất cả mọi người", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết nhóm của ông đã liên lạc với chính quyền Tổng thống Trump, nhưng trao đổi chỉ ở "mức chung chung", và ông tin rằng hai bên sẽ sớm gặp trực tiếp để xây dựng thỏa thuận chi tiết hơn. "Chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn về vấn đề này", Tổng thống Zelensky nói.
EU tranh luận về việc tái khởi động mua khí đốt của Nga: Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga như một phần trong thỏa thuận hòa bình tiềm năng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các quan chức Đức và Hungary ủng hộ việc nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga, cho rằng biện pháp này có thể giúp giảm giá năng lượng ở châu Âu và khuyến khích Nga tham gia vào một cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine. Việc nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga cũng có thể sẽ tạo động lực để các bên trong cuộc xung đột duy trì một lệnh ngừng bắn.