Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 9/6
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 9/6/2022.
Trận chiến khốc liệt Severodonetsk quyết định số phận mặt trận phía Đông Ukraine: Trong giao tranh khốc liệt, lực lượng Ukraine bị đánh bật ra khỏi nội đô Severodonestk và đã lui về ngoại ô thành phố này ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Ukraine coi trận chiến này có vai trò quyết định đối với mặt trận Donbass.
Thống đốc vùng Lugansk (Ukraine) Serhiy Haidai cho hay, hầu hết thành phố này đã nằm trong tay Nga và không thể “giải cứu” các dân thường bị kẹt tại đó. Theo vị quan chức này, ước tính còn khoảng 15.000 dân thường ở cả Severodonestk và thành phố lân cận Lysychansk, với tổng dân số trước chiến tranh là khoảng 200.000 người.
Mối lo của phương Tây khi cung cấp vũ khí hiện đại nhất cho Ukraine: Khi chuyển vũ khí mới cho Ukraine, một số quốc gia phương Tây lo ngại công nghệ nhạy cảm có thể rơi vào tay quân đội Nga nếu chúng bị chiếm giữ.
Những lo ngại như vậy ngày càng lớn dần khi kho vũ khí thời Liên Xô cung cấp cho Ukraine được sử dụng trong cuộc chiến dần cạn kiệt và các nhà lãnh đạo Kiev yêu cầu các vũ khí tầm xa hơn với sức mạnh chiến đấu lớn hơn, các quan chức quốc phòng Anh cho hay.
Moscow cáo buộc Ukraine có kế hoạch nhắm vào lãnh thổ Nga để khiêu khích đáp trả: Lực lượng Vũ trang Ukraine có kế hoạch tiến hành những cuộc pháo kích vào khu vực biên giới Nga từ Sumy để khiêu khích Nga đáp trả, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga - Thượng tướng Mikhail Mizintsev nhận định ngày 8/6.
"Kế hoạch nằm trong kịch bản của Kiev là các lực lượng của Ukraine sẽ tiến hành các cuộc pháo kích nhằm vào khu vực biên giới Nga từ các khu dân cư ở Sumy", ông Mizintsev cho hay.
Lý do Nga dồn lực ở Donbass nhưng vẫn củng cố vị trí ở phía Nam Ukraine: Trong khi giao tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra ác liệt ở phía Đông, Moscow đang tăng cường củng cố các vị trí của mình ở phía Nam.
Nga cho biết, nước này đã khôi phục đường bộ, đường sắt và một kênh đào nước ngọt quan trọng, được cho là nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài trong khu vực. Sự mở rộng cơ sở hạ tầng của Nga ở khu vực phía Nam Ukraine có thể giúp Nga củng cố hành lang trên đất liền giữa Nga và Bán đảo Crimea, đồng thời tăng cường nỗ lực kiểm soát khu vực này qua việc ban hành đồng tiền Nga và bổ nhiệm các quan chức địa phương.
Khu vực Kherson của Ukraine sẽ trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga trong năm nay: Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền quân sự-dân sự khu vực Kherson của Ukraine cho biết, cuộc trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần của Nga đã được lên kế hoạch tổ chức trong năm nay.
“Cuộc trưng cầu ý dân đã được lên kế hoạch tổ chức trong năm nay. Quyết định đã được đưa ra nhưng hiện tại đây không phải là vấn đề ưu tiên. Ưu tiên hiện nay là tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo rằng cư dân của Vùng Kherson không gặp bất kỳ khó khăn nào và cuộc sống của họ được thoải mái”, ông Stremousov nói.
Nga nêu điều kiện diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với Ukraine: Theo Ngoại trưởng Lavrov, để có thể diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine, trước tiên cần khôi phục lại hoạt động của các đoàn đàm phán.
Ngày 8/6, trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Ukraine chỉ diễn ra sau khi nối lại đàm phán giữa hai phái đoàn.
“Tòa án tối cao Donetsk” tuyên án tử hình 2 công dân Anh chiến đấu cho Ukraine: “Tòa án tối cao” tại nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR) tự xưng vừa kết án tử hình đối với 2 công dân Anh với tội danh làm lính đánh thuê cho Ukraine và mưu toan cướp chính quyền bằng vũ lực ở DPR. Cùng bị kết án tử hình với 2 công dân Anh này (cùng một tội danh) là 1 công dân Marốc.
Thách thức cực lớn để đưa hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine: Việc giải phóng lượng ngũ cốc khổng lồ bị mắc kẹt ở Ukraine đối mặt với những thách thức lớn. Nếu không tìm được giải pháp kịp thời, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài.
Ukraine - quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới, có hàng trăm kho chứa ngũ cốc khác nằm rải rác bên cạnh các tuyến đường bộ, các nhà ga đường sắt và các cảng biển trên khắp đất nước. Các nhà kho này đang đầy dần và sắp không còn sức chứa nếu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc từ mùa thu hoạch trước không được giải phóng.
Nga chưa đạt thỏa thuận với Trung Đông về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine: Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov hôm 9/6 cho biết vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Đông. Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ với các nhà báo. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng “công việc đang được triển khai”.
Tổng thống Biden “đi trên dây” trước sức ép tránh vượt qua lằn ranh đỏ với Nga: Mặc dù Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine gần gấp đôi ngân sách quốc phòng của Kiev nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn lo ngại nguy cơ khiêu khích Nga dẫn tới một cuộc chiến trên quy mô lớn hơn.
Thậm chí sau khi Tổng thống Biden ký thông qua quyết định cung cấp Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine vào tuần trước, chính quyền Mỹ vẫn đối mặt với chỉ trích từ các đồng minh NATO và Quốc hội Mỹ rằng sự hỗ trợ này đến "quá ít và quá muộn". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai đề nghị Tổng thống Biden hỗ trợ các vũ khí tầm xa trong gần 2 tháng qua.
Nga chỉ trích Mỹ "tiêu chuẩn kép" khi vẫn mua dầu của Moscow: Một quan chức Nga cho biết, nguồn cung dầu thô của Nga sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi bất chấp tuyên bố cấm vận dầu Moscow của Washington.
Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, cho rằng Mỹ “giả tạo” khi tuyên bố cấm vận dầu của Nga, trong khi vẫn tiếp tục mua với số lượng lớn./.