Đối thoại quốc gia tại Ukraine có giải quyết được khủng hoảng?

VOV.VN - Các cuộc đối thoại có thể sẽ không đạt được tiến bộ như mong muốn của chính quyền Kiev.

Các nhà lãnh đạo lâm thời Ukraine ngày 16/5 bắt đầu các cuộc đối thoại quốc gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại nước này.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Ukraine từ chối đối thoại với những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa tại phía Đông, cho thấy các cuộc đối thoại có thể sẽ không đạt được tiến bộ như mong muốn của chính quyền Kiev.

Lực lưởng ủng hộ Nga lập chiến luỹ tại thành phố Slavyansk (Ảnh Reuters)

Cuộc đối thoại bàn tròn tại Ukraine diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, với việc 2 khu vực Donetsk và Lugansk tổ chức trưng cầu ý dân và tuyên bố độc lập.

Hội nghị bàn tròn giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các tổ chức xã hội dân sự Ukraine nhằm xây dựng một một kế hoạch phân cấp, tăng quyền hạn lớn hơn cho các khu vực.

Chính quyền Ukraine hy vọng, hội nghị này sẽ xoa dịu làn sóng bất mãn gia tăng ở miền Đông, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk nhấn mạnh: “Mục tiêu chính của chúng ta đó là hòa bình và ổn định tại nước này. Điều này cần phải đạt được thông qua các giải pháp chính trị và ngoại giao. Chúng tôi sẽ đối thoại với tất cả những người không có vũ khí trong tay và không gây mất ổn định đất nước”.

Trong khi đó ở cấp quốc tế, Thủ tướng Yatsenyuk cho biết muốn hợp tác trong khuôn khổ nghị định Geneva giữa Nga, Liên minh châu Âu, Mỹ và Ukraine. Theo ông Yatsenyuk, đây được coi là nền tảng cho một giải pháp ở cấp quốc tế, trong đó có bao gồm an ninh ở Ukraine.

Hiện Ukraine và Nga đều tuyên bố sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại thứ 2 tại Geneva nhưng đều áp đặt các điều kiện. Ukraine muốn Nga công nhận cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 tới, trong khi Nga kêu gọi Ukraine rút quân ra khỏi các khu vực miền Đông.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định tôn trọng nguyện vọng của người dân ở Donetsk và Lugansk. Nga cũng khẳng định rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân đặt thêm sức ép cho Chính phủ Kiev công nhận các lãnh đạo phía Đông là một bên hợp pháp trong các cuộc đối thoại.

Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại thành phố Slaviansk Vyacheslav Ponomaryov đã đưa ra các điều kiện để tham gia đối thoại với Chính phủ Ukraine.

“Các điều kiện đầu tiên trước khi chúng tôi bắt đầu đối thoại đó là chính quyền Ukraine rút ngay lập tức tất cả quân đội  ra khỏi Donetsk, Kharkov và Lugansk. Chỉ khi đó chúng tôi mới có thể bắt đầu những nỗ lực đối thoại”, ông Ponomaryov nói.

Đối thoại được coi là cách tốt nhất để giải quyết các xung đột hiện nay tại Ukraine. Tuy nhiên, việc tuyên bố từ chối đối thoại với những người ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông- nút thắt quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine - cho thấy kế hoạch này của chính quyền Kiev có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong bối cảnh các bên đang ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao, việc Mỹ và Pháp ngày 16/5 tiếp tục đưa ra cảnh báo trừng phạt nhằm vào Nga cũng có thể khiến tình hình thêm căng thẳng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên