Đông Âu chật vật đối phó với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19
VOV.VN - Sau một năm kể từ khi ghi nhận những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, hàng loạt quốc gia Đông Âu tiếp tục hứng chịu sự tàn phá nặng nề “làn sóng thứ 3 đại dịch Covid-19”.
Theo báo cáo, Hungary hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trong khi đó, 24 giờ qua, Ba Lan đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày đạt kỷ lục kể từ đại dịch Covid-19 xuất hiện ở quốc gia này.
Cộng hòa Séc và Slovakia đã chứng kiến số ca lây nhiễm tăng cao kỷ lục trong vài tuần trở lại đây, họ cũng là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Các quốc gia này đã buộc phải tiến hành các biện pháp phong tỏa hoặc phong tỏa một phần để đối phó với đại dịch Covid-19.
Quan chức các nước cho rằng, nhiều quốc gia đang phải đương đầu với làn sóng thứ ba của đại dịch với sự phát triển mạnh của các biến thể Covid-19 trong khi việc triển khai tiêm chủng của các nước trong liên minh châu Âu đã diễn ra quá chậm để có thể kìm hãm sự lây lan và số ca tử vong do dịch Covid-19 gây ra.
Với dân số khoảng 38 triệu người, Ba Lan đã công bố gần 600 ca tử vong trong 24 giờ qua và gần 30.000 ca nhiễm mới, vượt kỷ lục về số ca mắc mới được ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo rằng, điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới và nước này sẽ có những hạn chế nghiêm ngặt hơn trong khoảng thời gian hai tuần trước và sau Lễ Phục sinh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ba Lan hiện đang chịu áp lực quá lớn, khi các bệnh viện buộc phải kê thêm giường phụ trong hành lang bệnh viện để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Đại dịch Covid-19 cũng đang phủ bóng đen lên quốc gia Đông Âu khác là Hungary. Mặc dù là quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 của Nga và Trung Quốc, cũng là quốc gia đứng thứ 2 về tỷ lệ người dân được tiêm chủng ở châu Âu.
Tuy nhiên, nước này ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đứng đầu thế giới. Trước tình trạng thiếu nhân viên y tế để điều trị cho gần 12.000 bệnh nhân Covid-19 đang phải nhập viện, Hungary đã buộc huy động thêm các sinh viên y khoa để trợ giúp các hoạt động điều trị đồng thời mở rộng tìm kiếm các tình nguyện viên để hỗ trợ công tác này.
Còn tại Romania, số lượng bệnh nhân điều trị đặc biệt đang cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại quốc gia này. Theo đại diện các bệnh viện ở thủ đô Bucharest, các bệnh viện đã quá tải và không đủ giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân, do đó họ buộc phải xem xét mức độ nghiêm trọng và tuổi tác của bệnh nhân để quyết định phương án điều trị phù hợp.
Tại Cộng hòa Séc, sau khi chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm đạt mức cao nhất ở châu Âu vào cuối tuần trước thì vài ngày trở lại đây, số ca nhiễm mới tại Cộng hòa Séc có chiều hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, số ca bệnh buộc phải nhập viện đạt mức cao. Các bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải và báo cáo về sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế để ứng phó đại dịch. Trước đó, Thủ tướng Séc Andrej Babis buộc phải thừa nhận sai lầm sau khi chính phủ đã chậm trễ đưa ra các biện pháp hạn chế từ cuối năm ngoái.
Các quốc gia Đông Âu nói riêng, Châu Âu nói chung đang chật vật tìm cách vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Ðể đối phó cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, lãnh đão các quốc gia cho rằng những hành động đơn phương của các nước sẽ không thể giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Do đó, EU cần nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các chương trình hành động chung, qua đó đẩy mạnh các nỗ lực tiếp cận vaccine đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19./.