Động đất ở Indonesia khiến 2 địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp
VOV.VN - Động đất tại tỉnh Tây Java của Indonesia gây thương vong và thiệt hại về tài sản, buộc chính quyền 02 địa phương ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp.
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai tỉnh Tây Java hôm nay (19/9) cho biết, trận động đất có độ lớn 5 làm rung chuyển Bandung và các khu vực lân cận ở tỉnh Tây Java hôm 18/9 đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng, 83 người bị thương, trong đó 23 người bị thương nặng; hơn 700 ngôi nhà hư hại. Động đất ảnh hưởng tới hơn 21.600 người dân, trong đó có hơn 700 người mất nhà cửa, ở nhiều ngôi làng thuộc Bandung, Garut, Cimahi, Tây Bandung, Purwakarta, Bogor... Thành phố Bandung chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 500 ngôi nhà, 8 cơ sở y tế, 31 cơ sở giáo dục và 55 cơ sở thờ tự bị hư hại.
Do ảnh hưởng của động đất, hôm qua lịch trình 14 chuyến tàu cao tốc “Whoosh” trên tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, đã bị hủy bỏ; 11 chuyến tàu khác tạm ngưng hoạt động. Cơ quan quản lý tuyến đường sắt này lập tức kiểm tra an toàn các đoàn tàu và đánh giá các rủi ro theo sau động đất như lở đất.
Chính quyền thành phố Bandung và Garut đã tuyên bố tình trạng ứng phó khẩn cấp với thảm họa thiên tai kéo dài trong 02 tuần. Trong lúc đó, Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) tích cực phân phối hỗ trợ tài chính cũng như các lều bạt, thực phẩm, dụng cụ vệ sinh, nước sạch, quần áo, máy phát điện… cho người dân chịu ảnh hưởng động đất. BNPB cũng phối hợp với chính quyền các địa phương thảo luận kế hoạch tái thiết nhà cửa, cơ sở hạ tầng.
Động đất gây thiệt hại về người và tài sản do tâm chấn trên đất liền, có độ sâu chỉ cách mặt đất khoảng 10 km và cách Bandung 24 km. BNPB cho biết, có khả năng trận động đất này xảy ra do hoạt động của một đứt gãy chưa có trên bản đồ.
Thời gian gần đây, một số nhà khoa học Indonesia cho biết nguy cơ “siêu động đất” và sóng thần luôn hiện hữu ở Indonesia. Tuy nhiên, người dân không nên lo lắng quá mức. Thay vào đó cần chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó.