“Động lực mới” cho quan hệ Trung Quốc – châu Âu?
VOV.VN - Chuyến thăm Trung Quốc đồng thời của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy Ban châu Âu được cho là cơ hội “thiết lập lại” mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu, thổi “sức sống mới” cho mối quan hệ giữa các bên. Nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm diễn ra thành công với nhiều kết quả tích cực trong mối quan hệ giữa các bên.
Những kết quả tích cực
Sau một thời gian trao đổi và tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn bởi các hạn chế vì Covid-19, châu Âu đang khởi động lại mối quan hệ với Trung Quốc thông qua các chuyến thăm cấp cao dồn dập. Trong bối cảnh quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang ở vào thời điểm khó khăn nhất trong khoảng 3 thập kỷ, bởi những thay đổi của khối về nhận thức đối với Trung Quốc từ cuối năm 2019, khiến quan hệ xấu đi nhanh chóng, những chuyến thăm này đã cho thấy mong muốn của cả hai bên trong việc cải thiện và thắt chặt quan hệ.
Mặc dù vẫn còn những khác biệt, thậm chí bất đồng và mâu thuẫn trong một số vấn đề, nhưng nhu cầu hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn rất lớn, hay nói cách khác hai bên đều cần đến nhau trong các mối quan hệ song phương và toàn cầu.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ít nhất ghi nhận kết quả trên 3 phương diện: duy trì tính ổn định trong quan hệ Trung – Pháp, tái khởi động các cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với châu Âu và tăng cường phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.
Pháp là một nước lớn ở châu Âu có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, quan hệ với Paris không chỉ ở tầm song phương, mà còn là quan hệ với EU và các thể chế đa phương, bởi Pháp là thành viên chủ chốt của EU và cũng là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Macron, Trung Quốc và Pháp đã thông qua Tuyên bố chung 51 điểm, mở ra triển vọng mới cho quan hệ song phương và tìm kiếm động lực mới cho quan hệ Trung Quốc – EU, với việc thắt chặt hợp tác trên các lĩnh vực như tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy an ninh và ổn định thế giới, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, tái khởi động giao lưu nhân dân và văn hóa, cũng như cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hai bên không chỉ ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp và thực phẩm, hàng không vũ trụ và năng lượng hạt nhân dân dụng, mà còn mở ra các điểm tăng trưởng mới như thương mại dịch vụ, phát triển xanh và đổi mới công nghệ. Trong đó có thỏa thuận Trung Quốc mua 160 chiếc máy bay của Airbus.
Về quan hệ Trung Quốc – EU, bản thân việc Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, một người có quan điểm tương đối cứng rắn trong chính sách đối ngoại, thăm Bắc Kinh cũng đã phần nào phát đi tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ và kiểm soát bất đồng giữa hai bên. Qua các cuộc gặp song phương và ba bên, lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái khởi động toàn diện các hoạt động trao đổi, đối thoại và hợp tác giữa hai bên ở tất cả các cấp.
Trong vấn đề Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh Pháp và ủng hộ châu Âu đưa ra các đề xuất cụ thể về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này. Trong khi đó, Tổng thống Pháp và lãnh đạo EC đều đề cao vai trò của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn khủng hoảng kéo dài và hòa giải giữa các bên xung đột. Những động thái này cho thấy các bên sẽ tiếp tục phối hợp trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.
Những khác biệt khó giải quyết trong một cuộc gặp
Trung Quốc luôn khẳng định không có xung đột lợi ích căn bản với EU và đồng thuận giữa hai bên vượt xa bất đồng, do vậy hai bên cần hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Nhận thức rõ những khó khăn hiện hữu, trong các cuộc gặp lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục tái khẳng định tính nhất quán, ổn định trong chính sách với châu Âu. Ông cũng kêu gọi hai bên kiên trì đối thoại và hợp tác, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu trong bối cảnh tình hình quốc tế biến đổi phức tạp. Ông mong muốn quan hệ song phương Trung Quốc - EU không bị ảnh hưởng bởi bên thứ 3, đồng thời đề nghị EU cân nhắc có một cái nhìn độc lập và khách quan hơn về Trung Quốc.
Với những vấn đề còn tồn tại giữa Trung Quốc và EU trong hợp tác kinh tế thương mại, ông Tập Cận Bình cho rằng, hai bên nên đi sâu đối thoại trao đổi nhằm đạt được các thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được thông qua đàm phán. Ông cũng không quên nhấn mạnh: “Trung Quốc là đối tác quan trọng của châu Âu trong giải quyết các thách thức như năng lượng, lạm phát và nâng cao năng lực cạnh tranh.”
Đơn cử như trong vấn đề Hiệp định đầu tư song phương vốn rất được Bắc Kinh kỳ vọng hiện đang bị đóng băng, ngay trước thềm chuyến thăm của lãnh đạo châu Âu, Đại sứ Phó Thông, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại EU từng cho biết nước này đề xuất cả hai bên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cùng một lúc, nhằm loại bỏ các trở ngại chính trị để phê chuẩn hiệp định. Nhưng ông cũng tiết lộ Bắc Kinh sẵn sàng lắng nghe ý kiến của châu Âu nếu thấy đề xuất trên là không khả thi. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang bỏ ngỏ khả năng đơn phương dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước, nếu châu Âu thể hiện thái độ sẵn sàng tiếp bước và nối lại hợp tác. Do vậy, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể sẽ có các động thái chủ động, tích cực hơn trong thời gian tới nhằm cải thiện quan hệ với châu Âu, bởi lợi ích từ việc tăng cường ngoại giao với châu Âu là rất lớn trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Trong khi đó, sau một thời gian quan hệ căng thẳng lên đến đỉnh điểm với việc hai bên trừng phạt lẫn nhau vì vấn đề Tân Cương, cả Tổng thống Pháp lẫn Chủ tịch EC đều gửi thông điệp kỳ vọng cùng Trung Quốc quản lý quan hệ hiện nay giữa những biến động ngày càng tăng của thế giới. Trong khi bà Leyen kêu gọi EU cần “kiểm soát căng thẳng” và “giảm rủi ro” trong mối quan hệ với Bắc Kinh, cả về chính trị và kinh tế, cho rằng việc tách khỏi Trung Quốc vừa không khả thi, vừa không phù hợp với lợi ích châu Âu, ông Macron cũng nhấn mạnh châu Âu “không thể phân tách với Trung Quốc” và các bên vẫn cần nhau để cùng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, châu Âu cũng hiểu rằng Bắc Kinh đang cần một môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước và hiện thực hóa mục tiêu tự chủ kinh tế, công nghệ, do vậy quan hệ với châu Âu giữ vai trò quan trọng với Trung Quốc, đặc biệt về kinh tế thương mại.
Vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine
Châu Âu đặt khá nhiều kỳ vọng vào Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Cả trong hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 6/4 lẫn phát biểu tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh một ngày trước đó, Tổng thống Macron đều đề cao vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục các bên ngồi vào bàn đàm phán tìm phương án cho xung đột Ukraine.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng cho biết lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Ukraine Zelensky khi “có điều kiện và vào thời điểm thích hợp”, bên cạnh việc kêu gọi Bắc Kinh sử dụng tầm ảnh hưởng với Moscow nhằm chấm dứt xung đột.
Có thể thấy, cả hai lãnh đạo châu Âu đều muốn Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên Bắc Kinh khá thận trọng trong vấn đề này. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc độc lập quyết định lập trường của mình dựa trên giá trị của các vấn đề, đồng thời khẳng định khủng hoảng Ukraine không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và EU. Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của EU trong việc đề xuất các cách tiếp cận và phương án giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng, thúc đẩy xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, phục vụ các lợi ích căn bản và lâu dài của EU.
Ông cũng cho rằng không có “linh đan diệu dược” hay hiểu một cách nôm na là không có thuốc chữa bách bệnh cho vấn đề Ukraine. Phát biểu tại cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Pháp tại Quảng Châu chiều ngày 7/4, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, các bên liên quan đều cần gánh vác trách nhiệm và tạo điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trước đó, ông cũng kêu gọi “các bên cần bắt đầu từ chính mình, tạo điều kiện đình chiến hòa đàm bằng tích lũy lòng tin”, đồng thời cho biết Trung Quốc ủng hộ châu Âu phát huy vai trò trong giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine, còn Bắc Kinh sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong tiến trình này. Hay nói một cách khác, Trung Quốc bỏ ngỏ khả năng làm trung gian hòa giải, nhưng cũng không muốn ràng buộc vấn đề Ukraine trong quan hệ với châu Âu./.