Đợt bão cát mới ảnh hưởng gần 410 triệu người ở Trung Quốc
VOV.VN - Cục Lâm nghiêp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc ngày 11/4 cho biết, một đợt thời tiết cát bụi trên diện rộng đang xảy ra ở nước này và khiến khoảng 409 triệu người thuộc 15 tỉnh bị ảnh hưởng.
Theo Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc, một đợt thời tiết cát bụi chủ yếu bắt nguồn từ phía Nam Mông Cổ và khu vực Tây Trung bộ Nội Mông Trung Quốc đã tấn công nhiều địa phương nước này từ ngày 9-11/4. Đây là đợt cát bụi thứ 8 xuất hiện ở Trung Quốc kể từ đầu năm và cũng là trận bão cát thứ hai trong năm nay.
Mặc dù được đánh giá là yếu hơn trận bão cát mạnh từ 19-24/3, nhưng đợt thời tiết cát bụi lần này vẫn được cho là ảnh hưởng phạm vi rộng và có cường độ mạnh, khiến nhiều nơi xảy ra bão cát. Dữ liệu của Cục Lâm nghiêp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tính đến 8h ngày 11/4 giờ địa phương, khoảng 409 triệu người ở 15 tỉnh, thành và khu tự trị trong một vùng diện tích khoảng 2,29 triệu km2 đã bị ảnh hưởng. Mức nồng độ bụi mịn PM10 cao nhất tại nhiều địa phương ở miền Bắc nước này đã vượt 2000 microgam/m3, khiến một số nơi tầm nhìn xuống dưới 500 mét và ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ngày 11/4, cùng với sự di chuyển xuống phía Nam của không khí lạnh, hiện tượng cát bụi cũng sẽ tiến xuống các địa phương phía Nam của Trung Quốc, khiến nồng độ PM10 ở một số địa phương như khu vực miền Nam tỉnh Hà Nam và Sơn Đông đều sẽ vượt 500 microgam/m3.
Trong khi đó, một đợt thời tiết cát bụi khác được dự báo là sẽ tiếp tục tấn công khu vực Tây Bắc và miền Bắc Trung Quốc từ 13-16/4, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Trước đó, một đợt bão cát mạnh bắt nguồn từ miền Nam Mông Cổ và phía Nam Tân Cương của Trung Quốc đã xảy ra từ 19-24/3, ảnh hưởng đến khoảng 560 triệu người và 3,62 triệu km2 đất đai thuộc 15 tỉnh.
Một quan chức của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc mới đây dẫn thống kê của các nhà nghiên cứu cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng bão cát đã cao gấp 4 lần so với những năm 1960, do nhiệt độ tăng và lượng mưa thấp hơn ở các sa mạc phía Bắc Trung Quốc và nước láng giềng Mông Cổ./.