Dư luận kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cải cách dân chủ
VOV.VN - Việc Tổng thống Erdogan mạnh tay “thanh trừng” sau đảo chính khiến dư luận trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ hết sức lo ngại.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện sau cuộc đảo chính bất thành, kéo theo đó là quan ngại về tình hình biến động mới tại quốc gia này. Rất nhiều đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả người Kurd, đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính đêm 15/7, song không phải ai cũng đồng tình với “cuộc thanh trừng” mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tiến hành trên khắp đất nước.
Rất nhiều người đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: EPA)
Ngày 31/7, một cuộc tuần hành rầm rộ đã được tổ chức tại Diyarbakir- thành phố lớn nhất của người Kurd tại phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối cuộc đảo chính bất thành vừa qua. Lực lượng này khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần những cải cách, nhưng phải mang tính dân chủ thực sự.
Một người biểu tình nói: “Mưu đồ đảo chính chỉ có thể bị dập tắt khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nền dân chủ mạnh mẽ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn được một cuộc đảo chính, song vấn đề sẽ là làm sao để xây dựng nền dân chủ. Trong khi đó, âm mưu đảo chính có thể tiếp tục xảy ra”.
“Đất nước này cần những thay đổi. Chúng ta cần cải cách. Nhưng cải cách phải nhằm cải thiện dân chủ, theo đó, chúng ta không thể phớt lờ các quyền cơ bản và quyền tự do của con người”, một người biểu tình khác cho biết.
Một làn sóng “thanh trừng” và cải tổ của Hội đồng quân sự tối cao đã được thông báo chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan cuối tuần qua tuyên bố đóng cửa các học viện quân sự và đặt các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng.
Hôm qua (31/7), Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải thêm gần 1.400 binh sĩ quân đội và tăng cường số lượng Bộ trưởng trong Hội đồng quân sự tối cao, một động thái được cho là giúp ông Erdogan nắm toàn quyền kiểm soát quân đội.
Theo đó, ông Erdogan muốn các lãnh đạo tình báo quốc gia và Bộ Tổng tham mưu chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống thay vì của Thủ tướng như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sửa đổi Hiến pháp, nghĩa là cần có sự hợp tác của các đảng đối lập.
Đến nay, hơn 60.000 người, trong đó có cả binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, công nhân viên chức đã bị bắt giữ hoặc bị điều tra liên quan đến vụ đảo chính. Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến các nước đồng minh trong NATO không khỏi quan ngại, đồng thời đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng giữa Ankara với phương Tây.
Sau vụ đảo chính, Tổng thống Erdogan đã nói rằng, các nước phương Tây quan tâm đến số phận của những kẻ âm mưu đảo chính, hơn là thể hiện sự đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một đồng minh trong NATO./.