Dư luận Pháp về vấn đề hạt nhân nhân kỷ niệm 30 năm thảm họạ Chernobyl
VOV.VN - Nhiều tờ báo lớn của Pháp đã có bài viết bàn luận về vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân hiện nay ở Pháp cũng như trên thế giới.
Nhìn lại thảm họa Chernobyl 30 năm về trước ở CH Ukraine, thuộc Liên Xô hồi đó (26/4/1986 -26/4/2016) và những sự cố hạt nhân tiếp sau ở mọi nơi trên thế giới, các tờ báo cùng chung kết luận đó là thảm họa hạt nhân lớn nhất, để lại những hậu quả khủng khiếp nhất cho con người và môi trường trong lịch sử sử dụng năng lượng hạt nhân trên thế giới từ trước tới nay.
Nhân dịp này, các báo cũng nêu lên mâu thuẫn lớn trong việc duy trì và phát triển năng lượng hạt nhân, một trong những nguồn năng lượng chủ đạo ở Pháp, châu Âu và thế giới hiện nay và việc loại bỏ nó nhằm ngăn ngừa những Chernobyl mới.
Thảm họa hạt nhân Chernobyl 30 năm về trước. (ảnh: RIA). |
Tờ Le Figaro ngày 6/4 đăng trên trang nhất bài viết: "30 năm sau Chernobyl, tương lai nào cho hạt nhân ?" Bài viết nhấn mạnh, sau thảm họa Chernobyl và gần đây là Fukushima, luôn tồn tại sự phân vân và những quan điểm trái ngược nhau về việc sử dụng năng lượng hạt nhân. "Châu Âu không thống nhất, Mỹ còn lưỡng lự, trong khi Nga, Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng vẫn tin cậy" vào năng lượng hạt nhân.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo bài viết, sau mỗi lần xảy ra sự cố hạt nhân, người ta lại tính chuyện từ bỏ nó, nhưng ý chí ấy nhanh chóng phai nhạt khi đứng trước nhu cầu thực tế về năng lượng và những cân nhắc thiệt hơn. Hiện những người ủng hộ năng lượng hạt nhân vẫn nhấn mạnh đó là nguồn năng lượng sạch, không thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, điều liên quan nhiều đến Thỏa thuận khí hậu tại hội nghị COP21 Paris, vừa được 175 nước thông qua ngày 22/4 tại New York.
Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra lo ngại nhất về năng lượng hạt nhân, thế nhưng nơi đây đang diễn ra nhiều do dự, bởi vẫn là khu vực sử dụng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Đức và Italia thông báo tạm ngừng các nhà máy điện hạt nhân sau vụ Fukushima, nhưng Tây Ban Nha và đặc biệt là Pháp vẫn chưa thể đoạn tuyệt với nó.
Luật chuyển dịch năng lượng của Pháp, ban hành tháng 8/2015, dự kiến hạ tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia từ 75% hiện nay xuống 50% vào năm 2025, đồng thời bù đắp khoản thiếu hụt bằng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo ước tính, việc hạ tỷ lệ điện hạt nhân xuống 50% trong cơ cấu năng lượng quốc gia sẽ dẫn tới khả năng phải cho ngừng hoạt động của 17-24 động cơ từ nay đến 2025. Tuy nhiên, đây là điều khó khăn. Để bảo đảm tổng công suất tối thiểu 63,2 GW điện hạt nhân, nước Pháp cần duy trì hoạt động của 58 động cơ điện hạt nhân hiện nay.
Trên thực tế, Pháp đã dự định kéo dài tuổi thọ của một số động cơ.
Pháp đang chịu sức ép của các nước láng giềng như Đức, Thụy Sỹ đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân cũ, bị coi là không bảo đảm an toàn, nằm gần biên giới như: Cattenom, Bugey, Fessenheim...
Trong khi đó, Trung Quốc quyết định tăng gấp đôi khả năng sản xuất điện hạt nhân trong kế hoạch 2016-2020. Ấn Độ thì dự kiến 40% lượng điện của họ được sản xuất từ các loại nhiên liệu không phát thải CO2 từ nay đến năm 2020, trong đó dựa chủ yếu vào năng lượng hạt nhân.
Ngành hạt nhân Nga thì còn đặt mục tiêu rộng lớn hơn. Rosatom, tập đoàn hạt nhân hàng đầu của nước này, cho biết đã có được đơn đặt hàng trị giá 110 tỷ đô la để xây dựng khoảng ba chục lò phản ứng hạt nhân, ở khoảng hơn một chục nước châu Âu, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Bản, nạn nhân trực tiếp của hạt nhân cả quân sự cũng như dân sự, vẫn đứng trước những cân nhắc. Dường như năng lượng hạt nhân vẫn là thứ không thay thế được ở quốc gia này và họ muốn tập trung cải thiện độ an toàn nhiều hơn là muốn từ bỏ.
Năng lượng hạt nhân vẫn hấp dẫn
Đài RFI dẫn nghiên cứu của nhà báo Mathieu Gaulène cho biết, ngoài Nhật Bản, giờ còn có thêm cả Hàn Quốc, đang ngoi lên thành một quốc gia hạt nhân dân sự chính tại châu Á. Năng lượng hạt nhân cung cấp đến 30% sản lượng điện cho quốc gia này. Những bức hình ám ảnh về thảm họa hạt nhân Chernobyl
Với 24 lò phản ứng đang hoạt động và 10 dự án khác, Hàn Quốc có tham vọng cung cấp đến 59% sản lượng điện từ hạt nhân từ đây cho đến 2035, bất chấp sự nghi kỵ ngày càng lớn của người dân. Hàn Quốc còn dự tính xuất khẩu đến 80 lò phản ứng và mong muốn được xếp vào hàng ngũ cường quốc hạt nhân, bên cạnh Nga, Mỹ và Pháp.
Dưới tiêu đề "Chernobyl, bài học bị lãng quên", xã luận tờ Thế giới (Le Monde) ngày 26/4 viết: " Sau 30 năm, bài học Chernobyl liệu đã thực sự được ghi nhớ? Tất nhiên, các quy định về an toàn và minh bạch đã được tăng cường đáng kể, nhưng Chernobyl đã không ngăn được Fukushima, và Fukushima chắc chắn cũng không giúp tránh được một thảm họa khác xảy ra".
Le Monde dẫn lời ông Pierre Franck Chevet, chuyên gia hạt nhân Pháp, khẳng định: "Không thể loại trừ khả năng xảy ra một tai nạn hạt nhân lớn trên thế giới, kể cả ở châu Âu". Theo chuyên gia này, các nguyên nhân tai nạn sẽ là bất ngờ đối với từng nước. Đó có thể là một trận động đất lớn, ngập lụt, hành động ác ý (khủng bố, phá hoại) và tất nhiên có cả sai sót do con người.
Trong trả lời phỏng vấn báo Le Monde, bà Michèle Rivasi, Nghị sỹ châu Âu của Đảng Xanh Pháp cho rằng phải tới khi xảy ra sự cố Fukushima, một số nước châu Âu mới cân nhắc từ bỏ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, Pháp hiện vẫn cố duy trì các nhà máy điện hạt nhân vì lý do giá thành rẻ và không thải khí CO2... Nhưng, theo bà, đó là những lý do nguy biện, chịu sự chi phối của các tập đoàn năng lượng, bởi giá thành năng lượng hạt nhân không hề rẻ nếu tính các chi phí phụ trợ, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải hết sức khó khăn và tốn kém./.