Dư luận trái chiều Mỹ về các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn
VOV.VN - Dư luận Mỹ có những ý kiến trái chiều về những quy định thắt chặt kiểm soát súng, bởi việc sở hữu súng là quyền được quy định rõ trong hiến pháp Mỹ.
Nhà Trắng hôm 4/1 đã công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn, theo đó yêu cầu các nhà bán súng cần phải có giấy phép và những người mua súng phải trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch. Đây là động thái nằm trong quyền hạn hành pháp của tổng thống Mỹ mà không cần Quốc hội thông qua. Dư luận Mỹ đã có những phản ứng trái chiều về vấn đề này.
Những người biểu tình phản đối thắt chặt kiểm soát súng ở Mỹ. Ảnh: TaipeiTimes. |
Theo các biện pháp hành chính mới được công bố, Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) - cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động kiểm soát súng đạn, sẽ được quyền kiểm tra giấy phép đăng ký của những người bán súng tại cửa hàng, nơi triển lãm hay trên mạng Internet. Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá và chất nổ cũng đã hoàn thành quy định liên quan đến việc kiểm tra lý lịch của những đối tượng mua vũ khí nguy hiểm, không phân biệt cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp...
Dư luận Mỹ đã có những ý kiến trái chiều về những quy định thắt chặt kiểm soát súng, bởi việc sở hữu súng là quyền được quy định rõ trong hiến pháp của Mỹ.
Trong bối cảnh các vụ xả súng xảy ra ngày càng nhiều khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Obama:
“Tôi nghĩ quyết định này là khôn ngoan và đúng lúc. Ngày càng nhiều người Mỹ chết bởi bạo lực súng đạn từ chính bàn tay của chính người Mỹ. Bây giờ là lúc cần phải kiểm tra lý lịch những người sử dụng súng để đảm bảo là súng sẽ không nằm trong tay những kẻ nổi loạn”.
“Tôi nghĩ là chúng ta có tỷ lệ cao bạo lực súng đạn ở Mỹ thật là điều đáng xấu hổ so với những nước khác. Vì thế, thực sự là cần phải làm gì đó, và cá nhân tôi rất hài lòng với quyết định mà Tổng thống đưa ra”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng, khi mà nền “văn hóa súng đạn” ở Mỹ vẫn có tác động lớn và ngành công nghiệp súng đạn mang lại cho nền kinh tế Mỹ nguồn thu không hề nhỏ: “Tôi hoàn toàn phản đối. Nó đi ngược lại với Điều sửa đổi thứ 2 của Hiến pháp Mỹ quy định về quyền sở hữu súng. Quan điểm cá nhân của tôi thì nó là vi hiến”.
Tổng thống Obama bắt đầu “thăm dò” khả năng dùng quyền hành pháp để siết chặt quản lý súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu hồi tháng 10/2015 tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua ở Roseburg, bang Oregon.
Việc dùng quyền hành pháp để siết chặt quản lý súng đạn là bước đi đơn phương của Tổng thống Obama mà không cần được Quốc hội phê duyệt.
Các nhà phân tích dự báo, quyết định của ông Obama sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi dai dẳng dẫn đến các động thái pháp lý. Phe Cộng hòa ngay lập tức đã lên tiếng cáo buộc ông Obama vượt quá quyền hạn.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thì chỉ trích Nhà Trắng không tham vấn Quốc hội về vấn đề này và khẳng định, Tổng thống sẽ không thể thuyết phục được Quốc hội ủng hộ nếu các nghị sỹ Mỹ không biết chi tiết kế hoạch kiểm soát súng đạn của chính quyền.
Vấn đề kiểm soát súng đạn cũng thu hút sự quan tâm của các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của hai đảng. Trong khi tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa, chỉ trích kế hoạch của chính quyền thì ứng cử viên nặng ký nhất của đảng Dân chủ Hillary Clinton, mặc dù ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama, nhưng cảnh báo rằng, bất kỳ biện pháp hành chính nào cũng có thể dẫn đến tác động xấu đối với sự cải tổ toàn diện trong đảng Dân chủ hiện nay./.