Dư luận Trung Quốc về bầu cử Mỹ
VOV.VN - Là nền kinh tế thứ 2 thế giới và đang có mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" với Mỹ, Trung Quốc tất yếu dành nhiều sự quan tâm tới bầu cử Mỹ.
Đây là một chủ đề "hot" của dư luận nước này trong những ngày qua, đặc biệt là khi ngày bầu cử đang đến gần. Báo chí và nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc liên tục cập nhật thông tin và bình luận về bầu cử ở Mỹ.
Nhìn chung, dư luận Trung Quốc cho rằng đây là một cuộc bầu cử khó đoán định, thậm chí có nhiều bất ngờ, cũng có thể có bên sẽ từ chối chấp nhận kết quả, khiến cuộc đua rơi vào thế giằng co.
Có dự báo cho rằng, ông Biden sẽ thắng dựa trên các điều tra hiện có, nhưng cũng có nhận định cho rằng ông Trump tái đắc cử bởi Đảng Cộng hòa bằng cách này hay cách khác đã tiếp cận được hơn 150 triệu cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, vượt xa con số 71 triệu của năm 2016.
Tuy nhiên, báo chí và dư luận Trung Quốc dường như không đặt quá nhiều hy vọng vào bất cứ ứng cử viên nào, bởi hơn ai hết họ hiểu rằng dù ai lên nắm quyền tại Mỹ, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng và cơ hội để xoay chuyển tình thế là gần như không có.
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới tinh anh hiểu rằng, sau 4 năm Tổng thống Trump cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với nước này giờ đây đã định hình ở tầm chiến lược với sự nhất trí cao trong cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Họ cũng hiểu rằng, cục diện giằng co trong quan hệ giữa 2 bên trên hầu hết mọi mặt trận sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài sắp tới. Thậm chí có bình luận cho rằng nếu Trung Quốc trông đợi vào kết quả cuộc bầu cử này để có thể lật ngược tình thế trong cuộc đấu giữa hai bên là "ấu trĩ" và "ảo tưởng".
Nhiều phân tích nhận định, giờ đây, thái độ "cứng rắn" đối với Trung Quốc đã bao trùm xã hội Mỹ, sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nếu có thì chỉ là "cách thức" và "chiến thuật" đối phó với Bắc Kinh mà thôi.
Nhìn chung, báo chí Trung Quốc cho rằng, 4 năm cầm quyền vừa qua của ông Trump đã giúp nước này "thức tỉnh", buộc họ phải trỗi dậy mạnh hơn, tự chủ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Họ hy vọng rằng đến 1 lúc nào đó Washington sẽ tự nhận ra rằng "chung sống hòa bình" với Bắc Kinh là sự lựa chọn đúng đắn./.