Dư luận về chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ
VOV.VN - Trung Quốc được cho sẽ là một chủ đề lớn trong chuyến công du châu Á lần này của ông Obama.
Đại diện thương mại của Mỹ và Nhật Bản hôm nay (22/4) tiếp tục đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng đạt được một thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Barack Obama bắt đầu từ ngày 23/4.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Obama dự kiến sẽ đối mặt với nhiều vấn đề an ninh quốc phòng gai góc trong chuyến thăm Nhật Bản lần này cũng như ở 3 nước châu Á còn lại để có thể khẳng định được chính sách xoay trục của Washington cũng như vai trò của Mỹ trong khu vực.
Ông Abe và ông Obama (ảnh: AP) |
Về phía Mỹ, các quan chức hy vọng có thể đạt được 1 thỏa thuận với Nhật Bản trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe vào ngày 25/4 tới. Quyền Phó đại diện thương mại Wendy Cutler coi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản là một trụ cột quan trọng trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước trải dài từ châu Á đến Mỹ Latinh. Hiệp định này được cho là xương sống trong chính sách của Tổng thống Obama nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á và cũng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi là 1 trong những yếu tố chủ chốt trong chính sách tăng trưởng của ông.
Trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của ông Obama, một nhóm nghị sỹ Mỹ cũng đã có mặt tại Tokyo để thúc đẩy thỏa thuận này. Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ Eric Cantor cho biết, chuyến thăm của các nghị sỹ Mỹ và Tổng thống Mỹ đến Nhật Bản diễn ra cùng thời điểm đã phản ánh cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực châu Á.
“Tôi hài lòng khi biết đàm phán với Nhật Bản đang đạt được những tiến bộ và tôi tin sẽ có một thỏa thuận giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm đồng thời đem lại sự thịnh vượng cho không chỉ khu vực này mà cho nước Mỹ. Chúng tôi tin rằng sự thịnh vượng của Mỹ gắn chặt với tăng trưởng của khu vực này và cột mốc đánh dấu sự gắn kết của Mỹ vào khu vực chính là liên minh Mỹ - Nhật”.
Theo ông Eric Cantor, chuyến thăm Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc của Tổng thống Obama và các nghị sỹ Mỹ cũng nhằm thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình của Mỹ ở khu vực với việc xoa dịu những bất đồng hiện nay của các đồng minh Nhật – Hàn về vấn đề lịch sử và chính trị. Chuyến thăm là một sự đảm bảo cho uy tín Mỹ, rằng khi Mỹ đã cam kết với châu Á và xoay trục sang châu Á thì những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hay châu Âu cũng không thể thay đổi được chính sách này. Tuy nhiên, ông Obama sẽ phải rất công bằng trong các cuộc đối thoại với đồng minh về những vấn đề cụ thể mà bản thân nước Mỹ cũng không có sự đồng thuận vững chắc trong khi các đồng minh của Mỹ với nhau lại càng có những khác biệt to lớn.
Mặc dù vậy, tranh chấp Nhật – Hàn có lẽ không phải là vấn đề hóc búa nhất trong chuyến công du 4 nước châu Á lần này của ông Obama. Dư luận khu vực và giới quan sát quốc tế cho rằng Trung Quốc không phải là điểm đến của Tổng thống Obama nhưng ít nhiều lại trở thành đích ngắm trong chương trình nghị sự của ông.
Tiến sỹ Jonathan Pollack, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định: “Trung Quốc là một chủ đề lớn trong chuyến công du châu Á lần này của ông Obama. Ông ấy không đến Trung Quốc nhưng theo cách này hay cách khác thì chuyến đi vẫn dấy lên mối quan ngại về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc và các nước trong khu vực hiểu vấn đề này như thế nào”.
Quan chức Philippines cho biết, trong chuyến công du lần này, Tổng thống Obama dự kiến ký với Philippines 1 thỏa thuận an ninh cho phép tàu chiến, máy bay chiến đấu và quân đội Mỹ tăng cường sử dụng căn cứ ở quốc đảo Đông Nam Á này, một động thái được nhiều nhà quan sát nhận định là đối trọng với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama, ông Ben Rhodes khẳng định chuyến công du châu Á lần này của ông chủ Nhà Trắng không nhằm đe dọa Trung Quốc bởi Washington vẫn muốn duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh: “Thực chất, rất nhiều hoạt dộng hợp tác quốc phòng tập trung vào lợi ích chung của tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương như ứng phó với thảm họa và ngăn chặn cướp biển. Quan điểm của chúng tôi là sự hiện diện của Mỹ ở Đông nam Á không phải vì Trung Quốc mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm làm sâu sắc quan hệ với thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”./.