Dư luận về kết quả tổng tuyển cử ở Đức
VOV.VN - Tại Berlin, những người ủng hộ Đảng của Thủ tướng Merkel hô vang khẩu hiệu “chúng ta còn thủ tướng”.
Cơ quan Bầu cử Liên bang Đức vừa thông báo đã hoàn tất việc kiểm phiếu tại tất cả các khu vực bầu cử. Theo đó liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel giành số phiếu bầu cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử ngày 22/9. Tuy nhiên, đảng của bà Merkel không hội đủ đa số ghế trong quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Lãnh đạo và báo chí châu Âu đã chúc mừng chiến thắng của bà Merkel, hy vọng trên cương vị người "chèo lái" nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel sẽ tiếp tục làm việc vì một châu Âu thịnh vượng.
Những người ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel ăn mừng tại trụ sở Đảng Dân chủ cơ đốc ở Berlin ngày 22/9 (Ảnh: AP) |
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho biết, liên minh của Thủ tướng Merkel giành 41,5%, tiếp sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) 25,7%, đảng Cánh tả 8,6% và đảng Xanh 8,4%. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đối tác liên minh cầm quyền của bà Merkel, chỉ giành được 4,8% số phiếu, không vượt qua ngưỡng 5% theo luật định để có đại diện trong quốc hội. Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) mới thành lập theo đường lối bài Liên minh châu Âu được 4,7% số phiếu, cũng không đủ điều kiện để tham gia quốc hội.
Với kết quả trên, liên minh của Thủ tướng Merkel chiếm 311 trong tổng số 630 ghế của Quốc hội Đức, không hội đủ đa số tuyệt đối nên vẫn phải tìm đối tác liên minh để cầm quyền và quá trình này có thể phải mất vài tuần.
Tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel và đảng của bà đã tổ chức ăn mừng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Những người ủng hộ vẫy cờ Đức và hô vang khẩu hiệu “chúng ta còn thủ tướng”.
Thủ tướng Merkel bày tỏ: “Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất vui và hạnh phúc và điều đó sẽ cho chúng ta thêm sức mạnh để tạo ra những điều tốt đẹp trong những năm tới. Chúng ta phải gánh vác nhiều trách nhiệm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm đương được”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ngay lập tức gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới bà Merkel. Dù đôi lúc bất đồng với thủ tướng Merkel về chính sách "thắt lưng buộc bụng" cứng rắn ở châu Âu, nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên gọi điện chúc mừng Thủ tướng Merkel. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức tỏ ý sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức đối lớn với các vấn đề của châu Âu. Ông Hollande đã mời bà Merkel sang thăm Pháp sau khi chính phủ mới của bà được thành lập.
Thủ tướng Anh David Cameron sử dụng trang mạng "Twitter" để gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến bà Merkel và tỏ ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ với người đứng đầu Chính phủ Đức.
Thủ tướng Italy Enrico Letta đánh giá kết quả tổng tuyển cử ở Đức không chỉ là điều "tuyệt vời" đối với bà Merkel mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU). Trong một thông báo, Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy bày tỏ tin tưởng rằng trên cương vị người "chèo lái" nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel sẽ tiếp tục làm việc vì một châu Âu thịnh vượng.
Hầu hết báo chí Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Đức đều tập trung đưa tin về chiến thắng của Thủ tướng Merkel và kết quả tổng tuyển cử tại Đức, khi bà Merkel được cho là sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Đức giữ cương vị thủ tướng ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức là một trong những sự kiện quan trọng nhất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu do vai trò chủ đạo của Đức trong khu vực này. Với dân số lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), Đức có GDP vượt xa các nền kinh tế thành viên còn lại, mang lại cho nước này ưu thế quyết định trong hầu hết các hoạt động của Liên minh châu Âu, nhất là trong việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu.
Bà Merkel trở thành Thủ tướng vào năm 2005 sau khi đánh bại người tiền nhiệm Gerhard Schroeder. Trong nhiệm kỳ thứ hai với nhiều khó khăn, thách thức, bà đã dẫn dắt nước Đức không sa vào vết xe đổ của các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong khi các nước khác khủng hoảng tài chính trầm trọng, nền kinh tế của Đức vẫn phát triển, tỷ lệ thất nghiệp giảm (tỷ lệ thất nghiệp chỉ 6,8%, bằng 1/4 tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp).
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại được đặt ra là khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng. Đối với khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro, bà Merkel là người khởi xướng chính sách thắt lưng buộc bụng, thực hiện cải cách triệt để nhằm đạt được các gói cứu trợ, giữ vững sự gắn kết của liên minh tiền tệ./.