Dư luận về Lộ trình cải cách sau đảo chính ở Thái Lan
VOV.VN - Nhiều người tỏ ra bất bình trước việc ban lãnh đạo đảo chính vẫn duy trì các biện pháp cấm đoán tự do báo chí và ngôn luận.
Ngày 2/6, báo chí Thái Lan tập trung phản ánh dư luận trong và ngoài nước về lộ trình khôi phục ổn định và cải cách đã được Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban Hòa bình và Trật tự quốc gia công bố ngày 30/5 vừa qua.
Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng, ban lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lần này vẫn tiến hành các biện pháp cứng rắn cần thiết để khôi phục ổn định tình hình an ninh, trật tự. Song khác với một số cuộc đảo chính trước đó, ban lãnh đạo đảo chính hiện nay chưa có những động thái đàn áp mạnh các nhà chính trị.
Một binh sĩ canh gác trên đường phố Bangkok sau cuộc đảo chính |
Đồng thời, ban lãnh đạo đảo chính có chủ trương "khôi phục hạnh phúc cho nhân dân", trong đó đặc biệt coi trọng việc hòa giải, đoàn kết dân tộc; khẩn trương thực hiện các biện pháp kinh tế cấp bách nhằm giải quyết khó khăn cho người dân và tạo thuận lợi cho kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển.
Cho đến thời điểm này, có nhiều ý kiến ở Thái Lan bày tỏ ủng hộ chủ trương nêu trên của ban lãnh đạo đảo chính. Tuy nhiên, một số chuyên gia chính trị Thái Lan nhận định: Lộ trình ổn định và cải cách của Ủy ban Hòa bình và Trật tự quốc gia là một tiến trình quy mô lớn; đặc biệt là tiến trình cải cách sâu rộng cả về chính trị - xã hội và kinh tế của Thái Lan. Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và có ảnh hưởng, tác động tới quảng đại quần chúng nhân dân.
Do đó, tiến trình cải cách phải có sự đóng góp ý kiến của mọi phe phái, tầng lớp xã hội để đảm bảo những cải cách này thực sự đem lại công bằng, dân chủ và lợi ích cho đất nước và toàn thể nhân dân Thái Lan. Nếu ban lãnh đạo đảo chính không tiếp thu ý kiến của nhân dân về cải cách, thì sự phản đối sẽ xuất hiện và gia tăng trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội Thái Lan tiếp tục bất bình về việc ban lãnh đạo đảo chính vẫn duy trì các biện pháp cấm đoán tự do báo chí và ngôn luận. Một số cuộc biểu tình phản đối đảo chính mang tính tự phát đã xảy ra ở Thủ đô Bangkok và các địa phương ở Thái Lan, bất chấp sự ngăn cấm của quân đội, cảnh sát.
Về phản ứng của dư luận quốc tế, nhiều nước trên thế giới và khu vực ASEAN bày tỏ lo ngại về đảo chính quân sự ở Thái Lan, đồng thời thúc giục ban lãnh đạo đảo chính sớm trả lại quyền lực cho nhân dân và tiến hành tổng tuyển cử mới.
Đặc biệt, Chính phủ Mỹ và Australia cho rằng lộ trình cải cách do ban lãnh đạo đảo chính Thái Lan đưa ra là quá dài. Chính phủ hai nước này cho biết, họ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cắt giảm quan hệ hợp tác với Thái Lan; đồng thời yêu cầu ban lãnh đạo đảo chính Thái Lan chấm dứt bắt giam giữ các nhà chính trị, chấm dứt hạn chế quyền tự do báo chí, ngôn luận và tổ chức ngay cuộc tổng tuyển cử mới theo thể chế dân chủ./.