Dư luận về tương lai toàn cầu với nhiệm kỳ 2 của ông Trump
VOV.VN - Thủ tướng Đức Olaf Scholz qua 17/1 đã kêu gọi châu Âu thống nhất lập trường đối với Mỹ chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1.
Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức sẽ cố gắng hợp tác với Mỹ và nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đòi hỏi châu Âu phải đoàn kết. Ông cho rằng, châu Âu phải theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra tại "nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới" và Đức cũng như châu Âu phải quyết định tương lai của chính mình.
Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới, công dân ở các nước đồng minh truyền thống của Mỹ như Vương quốc Anh, Hàn Quốc và các quốc gia thành viên EU bày tỏ sự nghi ngờ lớn hơn về tương lai trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump so với phần còn lại của thế giới.
Một cuộc khảo sát do Hội đồng châu Âu tại Đại học Oxford thực hiện cho thấy, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu là những người bi quan nhất về trật tự toàn cầu trong tương lai dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump. Sự khó lường về chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong cách tiếp cận của ông Donald Trump đối với NATO và cuộc chiến ở Ukraine, đang ngày càng làm dấy lên mối lo ngại trên khắp châu Âu về việc liệu Mỹ có hỗ trợ các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của mình trong trường hợp xảy ra xung đột hay không.
Trên toàn khối EU, 21% số người được hỏi coi Mỹ là đồng minh chia sẻ lợi ích và giá trị, 50% coi Mỹ là đối tác cần thiết, trong khi 3% coi Mỹ là đối thủ.
Trái với những nhận thức của châu Âu, ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, người dân tỏ ra lạc quan hơn về sự trở lại Nhà Trắng của ông Trăm, coi đó là lợi ích cho quốc gia và cho hòa bình toàn cầu. Sự lạc quan này là do lời hứa của ông Donald Trump về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông. Ví dụ, 82% số người được hỏi ở Ấn Độ cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trăm sẽ tốt cho hòa bình thế giới, và tỷ lệ này tại Saudi Arabia là 57% và Trung Quốc là 52%.