Dư luận về việc Palestine chính thức là thành viên của UNESCO

Mỹ và Israel đưa ra những cảnh báo và biện pháp đáp trả ngay lập tức.

Ngày 31/10, với 107 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Palestine chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 195. Trong khi chính giới và người dân Palestine hoan nghênh mạnh mẽ quyết định của UNESCO, Mỹ và Israel lại đưa ra những cảnh báo và biện pháp đáp trả ngay lập tức.

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki khẳng định: Đây là thời khắc lịch sử trả lại cho Palestine các quyền của mình. Sự thật là khi trở thành viên UNESCO sẽ tạo cho chúng tôi cơ hội để làm tất cả những gì tốt nhất nhằm bảo vệ những di sản đang bị đánh cắp và thay đổi cách mà Israel đã cố gắng làm trong những năm trước”.

Bộ trưởng Du lịch và Khảo cổ Palestine Kholod Duiabes nói: “Việc trở thành viên đầy đủ của UNESCO sẽ mở ra những cánh cửa cho chúng tôi, đặc biệt là việc đối phó với chủ tâm phá hủy di sản văn hóa thông qua sự chiếm đóng, và để bắt đầu bảo tồn các địa điểm của Palestine đủ điều kiện đưa vào danh sách di sản thế giới”.

Người dân Palestine cũng rất vui mừng trước sự kiện mang tính bước ngoặt này. Anh Waleed Abu Halawa ở thành phố Hebron bày tỏ: “Quyết định của UNESCO và thành tựu vừa đạt được sẽ khuyến khích chúng tôi tiếp tục sự tiến bộ của mình, thay vì những sức ép của Mỹ và các nước khác. Chúng tôi là người Palestine và chúng tôi xứng đáng dược sống trên mảnh đất này”.

Trái với thái độ vui mừng của Palestine, chính quyền Israel đã phản đối mạnh mẽ quyết định của UNESCO và đưa ra những cảnh báo cứng rắn. Đại sứ Israel tại UNESCO Nimrod Barlkan nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc trước việc một tổ chức khoa học lại thông qua một nghị quyết thiếu tính khoa học. Đây là một việc làm sai lầm của UNESCO ở thời điểm này bởi vì nó có thể tổn hại đến tiến trình hòa bình”.

Còn Mỹ, một đồng minh chủ chốt của Israel cũng cho rằng quyết định của UNESCO là đáng tiếc và “vội vã”, đồng thời làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung là một nền hòa bình toàn diện, bền vững tại khu vực Trung Đông. Mỹ tuyên bố rút khoản hỗ trợ hàng năm trị giá 80 triệu USD dành cho các hoạt động của UNESCO, tương đương 22% nguồn quỹ của tổ chức này.

Dư luận chung cho rằng, việc trở thành thành viên của UNESCO là một thắng lợi của Chính quyền Tổng thống M.Abbas trong mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập và rất có thể Palestine còn được công nhận là thành viên chính thức của các tổ chức khác của LHQ trong thời gian tới. Tuy nhiên, khát vọng kéo dài nhiều thập kỷ của người dân Palestine được trở thành thành viên đầy đủ của LHQ vẫn còn một trở ngại rất lớn đó là lá phiếu phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên