Đức đàm phán thành lập chính phủ
VOV.VN - Các nước EU đang theo dõi sát sao tiến trình thành lập chính phủ mới ở Berlin.
Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã nhất trí sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ hai sau cuộc họp kéo dài 3 giờ vào ngày 4/10.
Thông báo này được xem như là dấu hiệu cho thấy hai bên có nhiều điểm chung để có thể thành lập một đại liên minh chính thức. Lãnh đạo các đảng cho biết, cuộc đàm phán đầu tiên, nhằm giúp các bên xác định những điểm chung.
Chủ tịch đảng Xã hội Cơ đốc giáo Horst Seehofer cho biết: “Cả hai bên đều biết rõ, chúng tôi có nhiều việc phải làm đó là việc xác định một phương hướng chung và tôi nghĩ rằng, các cuộc đàm phán cần phải được thực hiện. Đầu tiên là xác định các chương trình tại châu Âu và tại Đức trong vài năm tới. Tiếp sau đó là lựa chọn các biện pháp để thực hiện các thách thức đó”.
Về phía Đảng Dân chủ Xã hội, ông Peer Steinbrück, một thành viên của đảng này và cũng là ứng cử viên Thủ tướng cho biết, các bên đã thảo luận những điểm tương đồng trong chính sách nhưng cũng đề cập đến điểm khác biệt, đặc biệt là các loại thuế. Ông nói: “Cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành vào thứ hai tới. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đàm phán đầu tiên, cả hai bên đều cố gắng tiếp thu ý kiến của nhau trong bầu không khí cởi mở”.
Trong tuần tới, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo cũng sẽ có buổi tiếp xúc đầu tiên với Đảng Xanh. Kế hoạch đàm phán với cả Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh của bà Merkel sẽ làm cho hai đảng này phải tính toán cạnh tranh lẫn nhau.
Cuộc đàm phán vừa diễn ra cũng nhằm kiểm tra xem những thỏa hiệp về chính sách, đặc biệt là các chính sách thuế giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo và Đảng Dân chủ Xã hội có khả thi không.
Trước thềm bầu cử, bà Merkel đã hứa với cử tri sẽ không tăng thuế. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội chủ trương tăng thuế với những người có thu nhập cao nhằm bù đắp chi phí đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Đối với việc phân chia ghế bộ trưởng, tốn tại lớn nhất giữa hai đảng là đảng nào cũng muốn ghế Bộ trưởng Tài chính đầy quyền lực hiện do đồng minh của bà Merkel là ông Wolfgang Schaeuble nắm giữ.
Các nước EU đang theo dõi sát sao tiến trình thành lập chính phủ mới ở Berlin và lo ngại rằng những sự trì hoãn thành lập chính phủ ở Đức có thể thể làm chậm lại việc ra những quyết định quan trọng liên quan các biện pháp tài chính đối phó khủng hoảng ở châu Âu, như dự án đầy tham vọng về thành lập một liên minh ngân hàng châu Âu./.