Đức phối hợp các loại vaccine để chống biến thể Delta hiệu quả
VOV.VN - Những người được tiêm chéo hai loại vaccine khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" so với những người tiêm 2 liều vaccine Astrazeneca.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo nước này sẽ tăng cường hiệu quả của chương trình tiêm chủng phòng chống COVID-19.
Theo đó, nước này có kế hoạch kết hợp mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca, với mũi thứ hai của thế hệ vaccine công nghệ mRNA như của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Theo ông Jens Spahn, việc kết hợp vaccine công nghệ mRNA sẽ tạo hiệu quả hơn chống biến thể Delta so với chỉ tiêm hai liều vaccine AstraZeneca.
“Điều quan trọng là nước Đức có đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu này. Trước tiên, chúng tôi có đủ vaccine công nghệ MRNA để thực hiện theo khuyến nghị. Có thể chưa diễn ra ngay lập tức, ở mọi nơi nhưng có thể sớm đưa vào kế hoạch triển khai" - ông Jens Spahn nói.
Việc tiêm chéo hai loại vaccine khác nhau rất quan trọng vì hiện tại, biến thể Delta đang lan rộng nhanh chóng ở Đức. Theo ước tính, tỷ lệ biến thể Delta tại Đức có thể đã vượt quá 50% tổng số ca lây nhiễm mới tại nước này.
Theo Ủy ban tiêm chủng thường trực của Đức, mũi tiêm thứ hai với loại vaccine công nghệ mRNA có thể tiêm ít nhất 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ nhất với vaccine Astrazeneca. Những người được tiêm chéo hai loại vaccine khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" so với những người tiêm 2 liều vaccine Astrazeneca./.