Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus, hỗ trợ Ukraine phát triển vũ khí nội địa
VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin sẽ không viện trợ thêm hệ thống phòng không Patriot hay tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, với lý do cần ưu tiên đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times công bố ngày 14/7, ông Pistorius xác nhận Đức đã chuyển giao 3 trong tổng số 12 hệ thống Patriot mà nước này từng sở hữu cho Kiev. Tuy nhiên, số lượng còn lại hiện đã quá ít để Berlin có thể tiếp tục chia sẻ.
“Chúng tôi chỉ còn lại 6 hệ thống Patriot ở Đức. Trong đó, hai hệ thống đang được triển khai ở Ba Lan, ít nhất một hệ thống khác đang được bảo dưỡng hoặc dùng để huấn luyện. Như vậy là quá ít, đặc biệt trong bối cảnh Đức cần đáp ứng các mục tiêu năng lực mà NATO đề ra. Chúng tôi chắc chắn không thể cung cấp thêm”, ông Pistorius nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết nước này đang đàm phán với Washington để mua thêm hai hệ thống Patriot từ kho dự trữ của Mỹ nhằm chuyển cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã xác nhận ý định phê duyệt thương vụ này.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Pistorius kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí Đức đẩy nhanh năng lực sản xuất trong khuôn khổ sáng kiến REarmEurope, với mục tiêu củng cố khả năng răn đe trước cái mà Berlin gọi là "sự gây hấn của Nga", một cáo buộc mà Moscow nhiều lần bác bỏ là vô căn cứ.
Bên cạnh hệ thống phòng không, Đức cũng sẽ không chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Kiev, dù Ukraine nhiều lần nêu yêu cầu. Với tầm bắn lên tới 500 km, tên lửa Taurus có khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow.
Trong suốt nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Olaf Scholz, chính quyền Berlin đã kiên quyết từ chối cung cấp loại vũ khí này với lý do có thể dẫn đến leo thang xung đột. Sau khi ông Friedrich Merz kế nhiệm, chính phủ mới cho biết vấn đề này vẫn đang được cân nhắc. Tuy nhiên, ông Merz khẳng định Đức đang hỗ trợ Ukraine phát triển các hệ thống vũ khí tầm xa nội địa trong khuôn khổ một thỏa thuận song phương và Kiev sẽ không bị áp đặt bất kỳ hạn chế nào về cách sử dụng các loại vũ khí này.
Phản ứng trước động thái nói trên, Moscow cảnh báo việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine sẽ bị coi là hành động khiến Đức trở thành "một bên tham chiến trực tiếp". Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng các đợt viện trợ vũ khí của phương Tây không giúp chấm dứt chiến sự mà ngược lại, chỉ làm kéo dài xung đột và đẩy nguy cơ chiến sự lan rộng.
Các quan chức Nga cũng khẳng định Moscow không có kế hoạch tấn công các quốc gia châu Âu, gọi những tuyên bố cảnh báo của phương Tây là “chiến thuật gieo rắc nỗi sợ” nhằm biện minh cho việc gia tăng ngân sách quốc phòng.