Đức và các quốc gia Bắc Âu kêu gọi hỗ trợ phòng không cho Ukraine
VOV.VN - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng lãnh đạo các quốc gia Bắc Âu hôm qua (13/5) tiếp tục kêu gọi tăng cường viện trợ cho Ukraine, nhất là hệ thống phòng không. Ông Scholz đến Stockholm ngày 13/5 để dự Thượng đỉnh an ninh trong 2 ngày 13-14/5 với 5 quốc gia Bắc Âu bao gồm Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và nước chủ nhà Thụy Điển.
Trong phiên họp báo trước lễ khai mạc diễn ra trong ngày hôm nay (14/5), Thủ tướng Đức cho rằng châu Âu cần hành động thiết thực hơn để duy trì sự hỗ trợ kéo dài dành cho Ukraine và ngăn bước tiến của Nga.
Tháng 4/2024, Đức đã quyết định chuyển giao thêm cho Ukraine một tổ hợp phòng không Patriot và người đứng đầu chính phủ Đức kêu gọi các nước châu Âu khác theo chân Đức tăng cường cung cấp cho Ukraine đạn dược, xe tăng và các hệ thống phòng không.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đánh giá tình hình đã trở nên cấp bách, Ukraine sẽ không thể cầm cự nếu không có các thiết bị của phương Tây và phương Tây cần chuyển giao hệ thống phòng không nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết Hội nghị thượng đỉnh về an ninh giữa Đức và các nước Bắc Âu sẽ tập thảo luận về tình hình Ukraine, chính sách an ninh như nguy cơ về cuộc chiến tranh hỗn hợp cũng như chuẩn bị nội dung cho Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7/2024 tại Mỹ.
Thủ tướng Thụy Điển hé mở khả năng sẽ cùng Đức và Ba Lan xây dựng liên minh đảm bảo an ninh cho khu vực biển Ban tích.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Kiel của Đức, Đức và các quốc gia Bắc Âu đều là những thành viên châu Âu tích cực nhất trong việc hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trong đó Berlin là “nhà tài trợ” lớn nhất với tổng viện trợ lên đến 14,5 tỷ euro.
Theo trang tin Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức, các nghị sĩ Quốc hội Đức mới đây ủng hộ ý tưởng NATO áp đặt vùng cấm bay ở miền Tây Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng, cơ sở quân sự của Ukraine cũng như cho phép Kiev tái triển khai các hệ thống phòng không vốn đang thiếu hụt.