EC đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh”
VOV.VN - Trong bản lộ trình hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050 công bố ngày 06/2, EC đã đưa ra các khuyến nghị mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đề xuất cần xây dựng một “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu.
Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua (06/2) đã công bố bản lộ trình mới hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh đến đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và nhất là hướng tới tham vọng cắt giảm 90% khí thải vào năm 2040 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong bản lộ trình hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050 công bố ngày 06/2, EC đã đưa ra các khuyến nghị mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đề xuất cần xây dựng một “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu.
Về nội dung, “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu sẽ định ra các chế tài cụ thể, giải quyết vấn đến chuỗi cung ứng, nguồn tài chính và trên hết là khả năng thúc đẩy, tiếp cận các nguồn năng lượng phi CO2 đầy đủ và có giá cả phải chăng như năng lượng tái tạo, năng lượng hydro hay năng lượng hạt nhân dân sự thông qua việc tăng cường sử dụng các lò phản ứng mô-đun nhỏ trong tương lai.
Về lộ trình, EC cho rằng sản xuất điện tại EU sẽ phải gần như phi các-bon hoá vào năm 2030, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất năng lượng cần giảm 80% vào năm 2040. Đối với lĩnh vực giao thông, các khuyến cáo cũng nhấn mạnh tích hợp các giải pháp công nghệ với việc ấn định giá CO2.
Về tổng thể, EC nhấn mạnh tiếp tục duy trì các chính sách khí hậu hiện nay để đạt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí phát thải CO2 tại châu Âu năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới tham vọng nâng tỷ lệ này lên 90% vào năm 2040 và coi đây là giai đoạn then chốt để có thể hướng tới đích cuối cùng là trung hoà khí phát thải vào năm 2050.
Uỷ viên châu Âu phụ trách Hành động khí hậu, ông Wopke Hoekstra cho biết: “Trên cơ sở những dữ liệu khoa học tốt nhất hiện nay cùng một nghiên cứu báo cáo tác động chi tiết, chúng tôi đưa ra khuyến nghị đặt mục tiêu năm 2040 sẽ cắt giảm được 90% lượng khí phát thải nhà kính”.
Để đạt được các mục tiêu khí hậu, EC ước tính trong giai đoạn 2031-2050, mỗi năm sẽ cần những con số đầu tư khổng lồ với khoảng 660 tỷ euro cho lĩnh vực năng lượng và 879 tỷ euro cho giao thông.
EC cũng thừa nhận thách thức lớn hiện nay là thuyết phục cả các nhà công nghiệp và người dân tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu khí hậu. Sau cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6/2024, EC khoá mới sẽ cần luật hoá các nội dung trên để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp châu Âu.
Theo các nhà phân tích địa bàn, các khuyến nghị trong lộ trình khí hậu mới của EC đã “cố tình” bỏ qua một số vấn đề then chốt như thời điểm dừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch hay mức cắt giảm khí thải CO2 trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân châu Âu hay làn sóng phản đối các quy định về khí hậu siết chặt và chồng chéo ngày càng gia tăng.