EU “bật đèn xanh” cho phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể
VOV.VN - Song song với nỗ lực phát triển vaccine, thế giới cũng đang trong cuộc chạy đua nhằm tìm kiếm các phương pháp điều trị Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Nga hay Brazil, thì vaccine và các phương pháp điều trị vẫn được xem là chìa khóa giúp thế giới nhanh chóng thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hôm qua (26/2) “bật đèn xanh” cho việc triển khai phương pháp điều trị bằng thuốc kháng thể của Hãng dược phẩm Mỹ Regeneron có tên Regn CoV-2. Đây cũng là loại thuốc được dùng để điều trị cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với việc kết hợp hai loại kháng thể đơn dòng, Regn CoV-2 được khẳng định sẽ giúp giảm tải lượng virú nằm sâu trong mũi và họng của các bệnh nhân mắc Covid-19. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định các nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng thể của Regeneron có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 không cần dùng máy thở và không có nguy cơ phát triển Covid-19 thể nặng. Một khi việc đánh giá hoàn tất, đây sẽ là cơ sở cho việc cấp phép lưu hành tại thị trường Liên minh châu Âu. Trước đó hồi tháng 11/2020, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép cho việc sử dụng khẩn cấp Regn CoV-2.
Chính phủ Pháp hồi giữa tuần cũng thông báo đã phân phối hàng nghìn thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng tới các bệnh viện. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhấn mạnh:“Cơ quan An toàn Thuốc Quốc gia đã cấp phép tạm thời cho việc Sử dụng Kháng thể Đơn dòng trong điều trị Covid-19. Đây không phải là những nghiên cứu lâm sàng, mà chúng tôi đã đưa vào điều trị trong thực tế và tất nhiên là nằm dưới sự giám sát chặt chẽ".
Song song với việc nghiên cứu phương pháp điều trị, các nước cũng đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, với việc ngày càng có thêm những loại vaccine mới được cấp phép lưu hành. Mới đây nhất ngày hôm qua, một hội đồng độc lập gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson.
Giáo sư John Whyte, Giám đốc y tế của trang chăm sóc sức khỏe WEBMD cho biết: “Tin tức từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm là rất đáng khích lệ. Chúng ta đều biết rằng cần tiêm phòng cho nhiều người hơn, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện những biến chủng mới. Hãy nhớ rằng, virus sẽ không thể đột biến nếu chúng không thể sống sót. Vì vậy, chúng ta càng có nhiều người được chủng ngừa thì càng tốt”.
Với ưu điểm chỉ dùng 1 liều duy nhất và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh, vaccine của Johnson & Johnson có những lợi thế lớn về mặt hậu cần và triển khai tiêm phòng. Một khi được cấp phép trong những ngày tới, đây sẽ là vaccine thứ ba được sử dụng tại Mỹ, sau hai vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna được phê duyệt từ tháng 12/2020 và đang được dùng tiêm phòng cho người dân.
Tại quốc gia láng giềng Canada, thêm một loại vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép sử dụng tại nước này. Đó là vaccine của hãng dược phẩm khổng lồ AstraZeneca, vốn đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Trong khi đó, Áo có thể là quốc gia thành viên thứ 2 Liên minh châu Âu nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga sau Hungary. Vaccine của Nga vẫn đang chờ Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) bật đèn xanh để có thể được triển khai ở tất cả 27 quốc gia thành viên. Tại châu Á, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) hôm qua bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Hàn Quốc có kế hoạch tiêm chủng cho 70% dân số trong 7 tháng tới, trong khi Hong Kong hy vọng tất cả người lớn sẽ được tiêm phòng trước cuối năm nay./.