EU đã cung cấp gần 224.000 quả đạn pháo cho Ukraine
VOV.VN - Trong 5 tháng đầu năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển giao cho Ukraine gần 224.000 quả đạn pháo và 2.300 tên lửa hành trình các loại. Khối này đặt mục tiêu cho tới mùa xuân 2024 sẽ cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine.
Người phát ngôn của EU Peter Stano ngày 11/8 cho biết Khối này đã cung cấp cho Ukraine 223.800 quả đạn pháo các loại bao gồm tự hành tầm xa, có gắn thiết bị dẫn đường chính xác và đạn súng cối cùng 2.300 tên lửa hành trình. Giá trị của số vũ khí trên ước tính vào khoảng 1,1 tỷ euro.
Số vũ khí nói trên là cũng một phần trong kế hoạch viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ euro được EU và các nước thành viên thông qua vào tháng 3/2023 với mục tiêu đến mùa Xuân năm 2024 sẽ cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên đang bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu này của EU.
Theo khuôn khổ phần hai của kế hoạch, Cơ quan quốc phòng EU hiện đang đàm phán với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng châu Âu về hợp đồng mua chung đạn pháo 155mm để cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh nước này liên tục thông báo thiếu đạn dược.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU đã chi tổng cộng 20 tỷ euro (gần 22 tỷ USD) để viện trợ và mua chung vũ khí cung cấp cho Ukraine, bằng khoảng một nửa so với con số hơn 43 tỷ USD mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Trong một động thái liên quan, tạp chí “Tấm gương” (Der Spiegel) của Đức cho biết, chính phủ Đức đang xem xét đặt ra các điều kiện cụ thể trong trường hợp cung cấp tên lửa hành trình Taurus theo đề nghị từ Ukraine. Kho vũ khí của Đức hiện có 600 tên lửa Taurus với tầm bắn lên đến 500km cũng như có thể bay ở tầm thấp, né tránh được các hệ thống phòng không.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện vẫn bày tỏ lo ngại việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine có thể khiến xung đột leo thang. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đến nay vẫn từ chối yêu cầu này từ Ukraine và nhấn mạnh chỉ hỗ trợ phòng không và xe tăng.
Tuy nhiên, theo tạp chí “Tấm gương”, Bộ Quốc phòng Đức đang yêu cầu các nhà sản xuất điều chỉnh giảm tầm xa của tên lửa Taurus để không vươn tới lãnh thổ của Nga cũng như việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ đồng ý cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus nếu Mỹ cũng gửi tới Ukraine tên lửa hành trình ATACMS.