EU đàm phán gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, mạnh tay với các nước thứ ba
VOV.VN - Các quốc gia thành viên EU hôm qua (10/5) bắt đầu thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên khác với những lần trước đó, lần này EU muốn xử lý mạnh tay các nước thứ 3 và các thực thể bị xem là cố tình trốn tránh trừng phạt.
Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, EU sẽ thực hiện một cơ chế mới nhằm cắt giảm xuất khẩu sang các nước thứ 3 và bổ sung hàng chục công ty vào danh sách đen, trong đó có Trung Quốc, Iran, Kazakhstan và Uzbekistan. EU cũng sẽ ngừng quá cảnh qua Nga đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn để bao gồm các sản phẩm công nghệ tiên tiến và phụ tùng máy bay.
EU coi việc trốn tránh các lệnh trừng phạt là lý do khiến những gói trừng phạt trước đó nhằm vào Nga không đáp ứng được kỳ vọng. Dựa trên phân tích các dữ liệu xuất khẩu của Đức kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cho biết, một số hoạt động thương mại bị cấm của EU đang chảy vào Nga qua Kavkaz và Trung Á.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Nếu được thông qua, thì đây sẽ là lần đầu tiên khối 27 nước thành viên nhằm mục tiêu vào Trung Quốc liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine. Trung Quốc hồi tuần này đã mạnh mẽ chỉ trích EU, cùng với Mỹ, đang tìm cách biến cuộc khủng hoảng Ukraine thành một nút thắt trong quan hệ hai bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp với cái cớ là hợp tác Trung - Nga. Đối với vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn giữ vững lập trường khách quan và vô tư, tích cực thúc đẩy thuyết phục và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết khủng hoảng về mặt chính trị. Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga là hợp pháp, cởi mở và đàng hoàng, không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, cũng như không bị bất kỳ bên thứ 3 nào can thiệp hoặc ép buộc”.
Các cuộc đàm phán được dự báo sẽ kéo dài và căng thẳng. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại trong EU rằng, các biện pháp trừng phạt mới có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ kinh tế và chính trị. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại và một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ./.