EU đang đi về đâu?

VOV.VN - EU chỉ có thể lấy lại sự ủng hộ của người dân nếu đáp ứng được nguyện vọng của các cử tri và cải thiện nền kinh tế đang ốm yếu.

Ngày 25/5, cử tri tại 21 nước châu Âu đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) nhằm bầu ra các đại diện của mỗi nước tại cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU). Lần đầu tiên bầu cử được điều chỉnh theo Hiệp ước Lisbon. Với tổng số 751 ghế nghị sĩ sẽ được phân bổ cho các nước thành viên dựa trên dân số. Đức và Pháp là hai nước chiếm nhiều ghế nghị sỹ nhất với 96 và 74. Các nước nhỏ hơn như Cộng hòa Síp, Estonia, Lurxembourg và Malta, mỗi nước được 6 ghế. Kết quả bầu cử cho thấy EU sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là lựa chọn hướng đi cho tương lai của lục địa già.  

Từ tâm lý chán chường 

Sau cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, người dân EU ít nhận thấy những tín hiệu tích cực từ phía chính phủ, lạm phát vẫn ở mức cao, biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vẫn phải áp dụng. Các công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ dường như không mấy hiệu quả. “Bảo bối” khắc khổ triền miên, khiến cử tri ngày càng mất niềm tin vào thể chế kinh tế - chính trị.

Với hơn 56% số cử tri châu Âu vắng mặt trong các điểm bỏ phiếu là quá lớn, tỷ lệ bỏ phiếu trắng cũng khá cao, đã thể hiện sự “thờ ơ” của nhiều người dân đối với một sự kiện quan trọng là tìm ra người đại diện cho quốc gia trong vị trí Nghị viện châu Âu.

Người dân EU dường như hoài nghi, thậm chí là “chán chường” với những kế hoạch, chương trình hành động kém hiệu quả của chính thể EU nói chung và ngay cả chính phủ của nước họ. Giá cả leo thang, thuế má, thất nghiệp ngày càng gia tăng, trong khi phúc lợi xã hội lại ngày càng giảm sút.

Giới phân tích cho rằng, mấy năm qua, nhiều nền kinh tế trong EU lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công. Các chính phủ “cực chẳng đã” phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” – điều kiện bắt buộc để được giải ngân số tiền mà bộ ba chủ nợ  (IMF, ECB và EC) đưa ra, khiến đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp đã là 28%, Tây Ban Nha 26%, Bồ Đào Nha cũng hơn 16%. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ người dân bất mãn với chính phủ và “đổ lỗi” cho giới lãnh đạo EU và đồng Euro là “thủ phạm” chính gây nên khủng hoảng. Vì thế, họ đã quay sang ủng hộ các đảng cực hữu và ngả theo xu hướng chống EU và nhất là chống Eurozone.

Đến nguy cơ tái sinh “chủ nghĩa dân tộc”

Bằng việc về nhất của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) với 212/751 ghế trong Nghị viện châu Âu; tiếp đó là đảng Xã hội: 186 ghế, các đảng Tự do: 70 ghế, đảng Xanh: 55 ghế, đảng Cánh tả: 43 ghế… đã phản ánh sự tái sinh “chủ nghĩa dân tộc” ở châu Âu.

Xu hướng này cũng giành được số phiếu cao tại các nước lớn trong khối như:  Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) ở Đức, giành được hơn 35% số phiếu bầu; Ðảng Dân chủ (PD) trung tả (Italia) cũng dẫn đầu với gần 41% phiếu bầu; Đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu tại Pháp cũng dẫn đầu với gần 25% phiếu ủng hộ (năm 2009 6%); Đảng Ðộc lập Anh (UKIP) cũng giành được hơn 29% phiếu ủng hộ.

Liên minh cầm quyền gồm hai đảng: Fidesz và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (KDNP) tại Hungary giành tới 51% số phiếu ủng hộ; Đảng Syriza ở Hy Lạp cũng giành được 26,7% phiếu bầu; Đảng Nhân dân tại Đan Mạch cũng dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu tại nước này...

Các đảng cực hữu theo tư tưởng bài ngoại, lâu nay không ủng hộ EU và coi nhập cư là “gánh nặng” đối với cả châu Âu và ảnh hưởng tới sự phát triển và hội nhập của EU. Kết quả cho thấy, các đảng cực hữu giành số phiếu rất cao tại một số nước có vị thế trong EU khiến các nhà lãnh đạo lo lắng. Thủ tướng Pháp ông Manuel Valls đã ví thắng lợi của đảng FN như “cơn địa chấn” chính trị, đồng thời cảnh báo hệ quả này là đặc biệt nghiêm trọng đối với nước Pháp và cả châu Âu.  

Điểm mới trong cuộc bầu cử EP lần này là việc bầu chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) do Hội đồng châu Âu giới thiệu dựa trên cơ sở kết quả cuộc bầu cử EP, sau đó EP sẽ biểu quyết thông qua. Hiện nay, hai ứng cử viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch EC là ông Jean-Claude Juncker (đảng Nhân dân châu Âu-EPP) và ông Martin Schulz (đảng Xã hội châu Âu-PES).  

Trong bối cảnh có sự lo ngại do sự trỗi dậy của “cánh hữu” sẽ trở thành vật cản đối với tương lai khu vực, các nhà lãnh đạo EU đã họp khẩn cấp tại Bỉ để xem xét lại các ưu tiên chính sách của EU. Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, các nhóm cực hữu vẫn còn khó khăn trong sự liên kết với nhau, nhưng đã có thể đủ mạnh để bày tỏ quan điểm và làm chậm tiến trình thông qua các quyết định tại EP. Vì thế, trong tiến trình liên kết, phát triển trước mắt của châu Âu, lực lượng cực hữu đã trở thành “kẻ ngáng đường” mà EU không thể không quan tâm.

Hướng đi nào cho tương lai EU?

Một cuộc họp đặc biệt giữa lãnh đạo các nước EU đã được tổ chức ngày 27/5 ở Brussels (Bỉ). Thủ tướng Đức Bà Angela Merken và Tổng thống Pháp ông Francois Hollande đã có buổi thảo luận riêng. Trong khi Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh việc EU cần phải cải cách bằng những chính sách cụ thể và hiệu quả.

Hướng đi nào cho tương lai EU là câu hỏi lớn? Hội nhập và phát triển thì đổi mới là cần thiết để tạo ra những điều mà người dân đang mong đợi, đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu và lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, đó là việc phải làm ngay. Tuy nhiên, trước mắt, những vấn đề cản trở tiến trình phục hồi và phát triển của EU là không nhỏ, nhất là lực lượng phản đối nhất thể hóa châu Âu đã gia tăng đáng kể sau cuộc bầu cử vừa qua, số này chiếm tới một phần ba số phiếu bầu.

Như vậy, một xu thế mới “dân tộc chủ nghĩa” đang hình thành cản trở quá trình “nhất thể hóa” mà châu Âu đang theo đuổi. Các nhà phân tích cho rằng, EU chỉ có thể lấy lại sự ủng hộ của đa số người dân nếu đáp ứng được nguyện vọng của các cử tri và cải thiện nền kinh tế đang ốm yếu hiện nay. Vì thế, dư luận cho rằng, tương lai nào cho EU vẫn còn đang ở phía trước./. 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên