EU liên tiếp bị các nhà cung cấp khí đốt chính doạ quay lưng
VOV.VN - Với việc liên tiếp bị các nhà cung cấp khí đốt chính cảnh báo quay lưng và Ukraine không muốn gia hạn thoả thuận trung chuyển với Nga, Liên minh châu Âu đang cạn kiệt các lựa chọn.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi mới đây cảnh báo nước này sẽ dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU nếu bị phạt theo luật mới của khối về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Đây là một cảnh báo đáng lo ngại trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang mất đi các nhà cung cấp chính. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hồi tuần trước đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt quan trọng kéo dài 5 năm với Nga và dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua (23/12) nhấn mạnh: “Việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine đang được thảo luận. Các bạn đã nghe tuyên bố của phía Ukraine và các bạn cũng biết lập trường của các nước châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga và coi đó là điều cần thiết cho hoạt động bình thường của nền kinh tế của họ. Do đó, đây là một tình huống rất khó khăn đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn".
Trước nguy cơ mất đi các nhà cung cấp năng lượng quan trọng, Liên minh châu Âu đang cạn kiệt các giải pháp thay thế. Với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, khả năng Mỹ có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng là rất thấp. Ông Donald Trump cuối tuần trước cảnh báo, EU hoặc là phải mua thêm dầu hoặc khí đốt của Mỹ hoặc là phải đối mặt với các mức thuế quan cao. Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp khi đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất cho Liên minh châu Âu.
Với mùa đông lạnh giá khắp lục địa, khối này không còn nhiều lựa chọn. Người phát ngôn Uỷ ban châu Âu Olof Gill cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Donal Trump về cách chúng tôi có thể củng cố thêm mối quan hệ vốn đã bền chặt, bao gồm cả việc thảo luận về lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng. Và như tất cả các bạn đều biết rất rõ, EU cam kết loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa nguồn cung cấp....Hai điều chúng tôi muốn truyền tải là có mức độ bổ sung cao giữa EU và Mỹ về mặt thương mại- kinh tế và ý định tham gia vào một quan hệ đối tác rất mang tính xây dựng với chính quyền mới tại Mỹ, bao gồm cả về các vấn đề năng lượng".
Lưu trữ khí đốt được coi là đường dây cứu sinh duy nhất của châu Âu trong thời kỳ lạnh giá. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho năm nay đang giảm nhanh sau khi nhiệt độ băng giá làm tăng như cầu sưởi ấm. Theo Bloomberg, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã góp phần làm giá khí đốt tăng khoảng 45% trong năm nay. Mặc dù mức này vẫn thấp hơn mức kỷ lục năm 2022, nhưng vẫn đủ cao để làm tăng chi phí sinh hoạt trong các hộ gia đình và gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đang gặp khó khăn.
Trong một diễn biến quan trọng, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 22/12 đã có chuyến thăm bất ngờ tới Nga bất chấp các cam kết công khai của khối này về việc chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga để nhập khẩu khí đốt. Kể từ tháng 2/2022, chỉ có hai nguyên thủ quốc gia EU khác đến thăm Nga là Thủ tướng Áo Karl Nehammer và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Đây cũng là những là nhà lãnh đạo EU hiếm hoi duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga ngay cả sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra. Do đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng đang gây ra những rạn nứt trong EU.