EU sẵn sàng loại Hy Lạp khỏi Khu vực Eurozone
Lãnh đạo Đức và Pháp đã có cuộc họp quan trọng thống nhất, để cứu cả Khu vực Eurozone, họ sẵn sàng loại Hy Lạp khỏi tổ chức này
Hy Lạp - cái tên được nhắc tới nhiều nhất những ngày qua với thông báo gây hoang mang cho các thị trường, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này.
Ngày 2/11, ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi, tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp, đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với lãnh đạo Hy Lạp.
Tại cuộc họp lần đầu tiên các nhà lãnh đạo châu Âu nhắc tới vấn đề đi hay ở của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Lãnh đạo châu Âu coi việc Hy Lạp tổ chức trưng cầu ý dân như lá phiếu đi hay ở, quyết định tương lai của quốc gia này trong Eurozone.
Phát biểu sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã thể hiện lập trường cứng rắn khi tuyên bố: "Những người bạn Hy Lạp phải quyết định về việc họ có còn muốn tiếp tục cuộc hành trình với chúng ta nữa hay không".
Thủ tướng Đức Angela Merkei và Tổng thống Pháp Sarkozy tỏ rõ thái độ cứng rắn với Hy Lạp (Ảnh: AP) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn nhấn mạnh, Đức muốn ổn định Khu vực Eurozone, mà Hy Lạp là một thành viên. Song về cơ bản ổn định Khu vực vẫn quan trọng hơn cứu trợ Hy Lạp.
Và để chứng minh cho những tuyên bố này, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được thêm bất cứ gói cứu trợ nào từ châu Âu cho đến khi nước này chấm dứt được tình trạng bất ổn và nhất trí tuân thủ những cam kết đối với Khu vực Eurozone.
Tổng thống Pháp Sarkozy nói: “Châu Âu và IMF chỉ có thể xem xét việc thông qua lần giải ngân thứ 6 dành cho Hy Lạp nếu nước này thông qua toàn bộ gói cứu trợ mà EU quyết định ngày 27/10 vừa qua và mọi sự không chắc chắn về cuộc trưng cầu ý dân phải được loại bỏ”.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã khiến toàn châu Âu ngạc nhiên khi ngày 31/10 vừa qua thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ của EU dành cho nước này.
Và chỉ trong 1 ngày, Thủ tướng Hy Lạp đã trở thành nhân vật có khả năng làm sụp đổ công trình mà các nhà lãnh đạo châu Âu dựng nên để cứu nước này và Khu vực Eurozone.
Quyết định đưa vấn đề ra trưng cầu ý dân được xem là một chuyển biến bất ngờ khiến các thị trường tài chính hoảng loạn.
Theo các nhà phân tích, trong trường hợp, người dân Hy Lạp nói không với gói cứu trợ cuối cùng mà châu Âu dành cho nước này, thì đây có thể là một cú sốc tâm lý trong Khu vực Eurozone.
Hậu quả có thể là sự quay lại của Hy Lạp với đồng nội tệ của mình và những nỗ lực của châu Âu nhằm giữ Hy Lạp ở lại Khu vực Eurozone bằng mọi giá sẽ trở thành con số 0.
Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 2/11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho biết, ông sẽ nỗ lực để cuộc trưng cầu ý dân diễn ra sớm nhất có thể, đồng thời khẳng định là đúng đắn khi trao quyền quyết định vào tay người dân Hy Lạp.
Theo một cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Hy Lạp có nhìn nhận tiêu cực về thỏa thuận cứu trợ. Họ cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou đã đi quá xa trong việc cho phép EU và IMF ra lệnh các biện pháp kinh tế khắc khổ mà nước này cần phải thực hiện để được nhận cứu trợ. Thế nhưng có tới 70% người muốn Hy Lạp ở lại Khu vực Eurozone./.