EU thiết lập cơ chế thương mại mới với Iran nhưng vẫn “sợ mất lòng” Mỹ
VOV.VN - Các nền kinh tế hàng đầu EU chính thức lập hệ thống cho phép họ tiếp tục giao thương với Iran, né lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong một bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao, các nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, Đức và Anh hôm 31/1 chính thức thành lập một hệ thống cho phép những nước này tiếp tục giao thương với Iran, mà vẫn né được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ảnh minh họa: Getty.
Dù được đánh giá là một thông điệp chính trị quan trọng gửi tới Iran, song phạm vi hoạt động hạn chế của hệ thống giao thương mới đã phần nào cho thấy thế khó xử của châu Âu trong quan hệ với Mỹ và Iran.
Được gọi với cái tên “Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại”, viết tắt là INSTEX, cơ chế mới sẽ được đăng ký, đặt trụ sở tại thủ đô Paris, Pháp. Cơ chế do một thống đốc ngân hàng người Đức, ông Per Fische, lãnh đạo. Anh, Pháp và Đức- 3 nước cổ đông duy nhất tính đến thời điểm hiện nay của cơ chế giao thương mới với Iran cũng chính là những nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cùng với Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Dù không thể giúp khôi phục thương mại với Iran, song một nhà ngoại giao châu Âu nhận định đây là một thông điệp chính trị quan trọng gửi tới Iran rằng, châu Âu quyết tâm cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đây cũng là câu trả lời cho sức ép của Mỹ rằng, châu Âu sẽ bảo vệ lợi ích của mình, bất chấp việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Iran.
Đối với nhiều nhà quan sát, bước đi này có thể xem là thiện chí của Liên minh châu Âu nhằm xoa dịu Iran khi hồi đầu tháng 1 vừa qua khối này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ năm 2015. Theo Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, đây là một hành động mang tính chính trị, cũng như bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu: “Cơ chế mới này là nhằm cho phép các doanh nghiệp châu Âu có mong muốn tiếp tục giao thương hợp pháp với Iran, đặc biệt trong những lĩnh vực như y tế và nông lương. Đây cũng là những lĩnh vực thiết yếu đối với nhân dân Iran”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh, Anh, Pháp và Đức đã phối hợp chặt chẽ với Iran để hoàn tất công tác chuẩn bị, tạo thuận lợi cho việc giao thương các mặt hàng dược phẩm, nông nghiệp, tiêu dùng, cũng như hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, để cơ chế này đạt hiệu quả cao nhất, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Iran đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định mới của Đức, Pháp và Anh, cho rằng đây là bước đi đầu tiên của Liên minh châu Âu trong việc thực hiện những cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Abbas Araqchi hy vọng, cơ chế trao đổi thương mại vừa mới được thiết lập sẽ được áp dụng đối với mọi danh mục hàng hóa.
Ngoại trưởng Iran lên án hội nghị chống Iran do Mỹ, Ba Lan tổ chức
Trái ngược với sự lạc quan của Iran, chính quyền Mỹ lại tỏ ra khá thất vọng. Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ không muốn cơ chế thương mại mới của Liên minh châu Âu ảnh hưởng đến việc gây sức ép kinh tế tối đa với Iran.
Theo quan chức này, Mỹ đang theo dõi sát diễn biến tình hình để có những bước đi phù hợp. Những thực thể tham gia hoạt động nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, cũng như khả năng làm ăn với các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phạm vi hoạt động của cơ chế này là khá hạn chế, khi chỉ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ với Iran liên quan tới lương thực, thuốc men và nhân đạo, mà không sử dụng trong các giao dịch liên quan tới dầu mỏ, lĩnh vực của Iran vốn chịu nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra. Điều này cho thấy châu Âu vẫn khá thận trọng trong những vấn đề liên quan tới Iran để tránh làm sứt mẻ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương./.