EU trước thách thức về vấn đề di dân từ châu Phi

Nếu các chế độ ở Bắc Phi như Libya sụp đổ, một làn sóng người nhập cư bất hợp pháp sẽ rời bỏ đất nước để tới châu Âu.  

Trong bối cảnh xảy ra những biến động tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi, Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ phải đối phó với làn sóng di cư từ châu Phi và có thể là một thảm họa về mặt nhân đạo đến từ Libya.

Các nhà chức trách của Cơ quan giám sát biên giới EU thống kê cho thấy, hiện có từ 500.000 đến 1,5 triệu người nước ngoài, chủ yếu là người gốc Bắc Phi đang sinh sống ở Libya. Vì thế, Bộ trưởng Nội vụ Italy Maroni cho rằng, đó là những người tị nạn có khả năng tràn vào Italy và từ đó lan sang cả một số nước khác trong EU. Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy Roberto Maroni kêu gọi EU cần áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó với một thảm họa nhân đạo khẩn cấp.

Bộ trưởng Nội vụ Italy kêu gọi thành lập một Quỹ đoàn kết để giúp các nước phải tiếp nhận người tị nạn, trong đó có các quốc gia ở Nam Âu như: Italy, Hy Lạp, Malta… và thống nhất về nguyên tắc chia sẻ gánh nặng. Một số nước Nam Âu như Tây Ban Nha cũng chia sẻ sáng kiến của Italy. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tây Ban Nha Alfredo Rubalcaba cho rằng: Những người tị nạn không đến Italy mà đến châu Âu thông qua Italy. Do đó, EU phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ cũng nhấn mạnh, EU phải sẵn sàng thể hiện tình đoàn kết với các nước có thể phải đối mặt với những nguy cơ bị người tị nạn tràn ngập. Thế nhưng có những nước không ủng hộ việc cùng chia sẻ gánh năng về vấn đề di cư, trong đó có Pháp.

Trước tình hình hiện nay, ngay trong khối EU vẫn thể hiện sự chia rẽ, giữa  các quốc gia phương Bắc và các nước Nam Âu. Một trong những lo ngại lớn của châu Âu là nếu các chế độ ở Bắc Phi như Libya sụp đổ, một làn sóng người nhập cư bất hợp pháp sẽ dời bỏ đất nước để tới châu Âu. Hiện tượng hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp Tunisia tìm đến châu Âu bằng cách cập bến đảo Lampudisa của Italy mới đây là một ví dụ. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột hiện nay ở Libya có nguy cơ đẩy đất nước này đến bờ nội chiến và tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở khu vực gần với biên giới Ai Cập.

Uỷ ban châu Âu cũng đã quyết định dành khoản viện trợ trị giá 3 triệu euro để đáp ứng nhu cầu cứu trợ nhân đạo ở Libya và các nước láng giềng. Trong đó bao gồm việc hỗ trợ về y tế và lương thực cũng như các vật dụng hàng ngay như chăn, màn… cho người dân Libya và người tị nạn Libya đang phải lánh nạn ở các quốc gia láng giềng. Với quyết định khẩn cấp này, những nhu cầu cấp thiết về nhân đạo tại thực địa sẽ được đáp ứng.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Uỷ ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo cần sẵn sàng đối phó với khả năng xuất hiện làn sóng người tị nạn bên trong Libya cũng như hàng chục ngàn người tị nạn lánh sang các nước láng giềng. EC sẽ phân phối khoản tiền cứu trợ này cho các đối tác có khả năng tiếp cận hiện trường, trong đó có các tổ chức của Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Trăng Lưỡi liềm đỏ và một số tổ chức phi chính phủ khác.

Trên thực tế, trong mấy ngày qua, có gần 20.000 người di cư từ Libya sang các nước láng giềng như: Tunisia hay Ai Cập.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ 6 nước ven bờ Địa Trung Hải (Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, đảo Sip và Malta) đã nhóm họp ở thủ đô Roma (Italy) để thảo luận về các giải pháp đối phó với khả năng xuất hiện làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu do những bất ổn ở Libya.

Trong số các quốc gia châu Âu, Italy là đích đến hàng đầu của những người nhập cư bất hợp pháp, do các bờ biển của Italy chỉ cách Libya vài trăm km. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Franco Frattini cảnh báo, có khoảng 200.000-300.000 người nhập cư bất hợp pháp sẽ có thể chạy từ Libya tới Italy. Đây là thách thức lớn đối với không chỉ Italy mà cả các nước thành viên EU./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên