EU tuyên bố Belarus khó thoát trừng phạt vì vụ ép máy bay hạ cánh
VOV.VN - Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu đang nhóm họp Thượng đỉnh tại Brussels tuyên bố, Belarus sẽ phải hứng chịu hậu quả vì hành động được cho là ép buộc máy bay của hãng hàng không Ryan Air hạ cánh xuống sân bay của nước này và bắt giữ một nhân vật đối lập.
Phát biểu với báo chí chiều ngày 24/05 tại Brussels khi chuẩn bị bước vào cuộc họp Thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày của khối, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell tuyên bố, sự cố vừa xảy ra đối với hãng hàng không Ryan Air tại Belarus sẽ được các quan chức cấp cao của châu Âu thảo luận ngay lập tức và các lệnh trừng phạt là không thể tránh khỏi.
“Hôm nay chúng tôi có một chủ đề nghị sự đặc biệt vốn không có trong chương trình vài ngày trước, liên quan đến vụ máy bay của hãng Ryan Air bị ép buộc hạ cánh xuống sân bay Minsk của Belarus. Chúng tôi xem đây là hành động không thể chấp nhận được, cũng giống như việc bắt giữ hai hành khách trên chuyến bay. Chúng tôi yêu cầu hai người này phải được thả ngay lập tức và sẽ thảo luận các biện pháp tiếp theo bởi sự việc này không thể trôi qua mà không có hậu quả”, ông Borrell nói.
Theo giới truyền thông tại châu Âu, hiện một bản dự thảo về kế hoạch trừng phạt Belarus đã được lập ra để nguyên thủ các nước EU thảo luận, theo đó EU lên kế hoạch cấm mọi chuyến bay của hãng hàng không Belarus bay vào không phận các nước EU, cũng như yêu cầu mọi hãng hàng không của châu Âu không bay qua không phận Belarus.
Trước đó, trong ngày 23/5, một chuyến bay của hãng hàng không Ryan Air, xuất phát từ Athens (Hy Lạp) với đích đến là Vilnius, thủ đô của Latvia, đã buộc phải hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Minsk của Belarus. Sau khi hạ cánh, giới chức an ninh Belarus đã bắt giữ một hành khách trên chuyến bay, vốn là một blogger quốc tịch Belarus và được xem là nhân vật đối lập với chính quyền nước này.
Nhà chức trách Belarus sau đó giải thích việc máy bay của hãng Ryan Air bị ép hạ cánh là do có đe dọa đánh bom từ lực lượng Hamas đối với chuyến bay này. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích lời giải thích này là “hoàn toàn không đáng tin cậy”. Một loạt nguyên thủ các nước châu Âu khác cũng phản ứng rất mạnh khi cho rằng sự cố vừa qua là nguy hiểm, chưa từng có tiền lệ và châu Âu cần phải lập tức đáp trả hành động của phía Belarus.
Bên cạnh EU, chính phủ Anh ngày 24/5 cũng ra tuyên bố cho biết sẽ trừng phạt Belarus và yêu cầu Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko phải chịu trách nhiệm. Anh đã ngay lập tức yêu cầu các hãng hàng không Anh ngừng bay đến Belarus, đồng thời cảnh báo có thể chấm dứt giấy phép hoạt động của hãng hàng không Belavia của Belarus trên lãnh thổ của Anh bất cứ lúc nào. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cho rằng, cần phải điều tra kỹ cả vai trò của phía Nga trong sự cố này.
Trong thông cáo ngày 24/5, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean-Yves Le Drian, lên án mạnh mẽ hành vi này của Belarus, coi đây là hành vi nghiêm trọng, đe dọa tới an toàn hoạt động hàng không dân dụng quốc tế.
Ông Le Drian cho rằng, hành động này cũng đe dọa tới lợi ích, an toàn của các công dân châu Âu khi một máy bay thương mại của một hãng hàng không châu Âu, có lộ trình di chuyển giữa hai quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU), chuyên chở phần lớn hành khách là công dân các nước thuộc EU, đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Belarus.
Nước Pháp cũng kêu gọi chính quyền Belarus trả tự do ngay lập tức cho nhân vật đối lập Roman Protassevitch cùng bạn gái của ông này, những người đã bị bắt giữ sau khi máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh xuống sân bay của Belarus./.