EU và Anh “dậm chân tại chỗ” trong đàm phán về quan hệ tương lai
VOV.VN - Theo lịch trình, các đoàn đàm phán hai bên sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng này trong phiên đàm phán thứ hai được tổ chức tại thủ đô London của Anh.
Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/3 đã kết thúc vòng đàm phán chính thức đầu tiên về mối quan hệ tương lai. Mặc dù cả hai bên đều cho thấy sự quyết tâm trong việc đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay, nhưng trong vòng đàm phán này, hai bên dường như dậm chân tại chỗ khi còn nhiều điểm bất đồng.
EU và Anh “dậm chân tại chỗ” trong đàm phán về quan hệ tương lai. Ảnh: IamExpat |
Trao đổi với báo giới sau vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại "bất đồng nghiêm trọng" giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai.
“Chúng tôi nhận thấy có một số điểm tương đồng giữa hai bên trong một số chủ đề cụ thể, ví dụ như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử dân sự hay sự tham gia của Vương quốc Anh vào một số chương trình của EU. Nhưng, thực lòng mà nói, vẫn còn nhiều bất đồng, thậm chí là bất đồng nghiêm trọng. Đây có lẽ là điều hiển nhiên sau vòng đàm phán đầu tiên”, ông Barnier nói.
Theo ông Barnier, các bất đồng này vẫn tập trung trong hai chủ đề đã được giới phân tích nhận định là phức tạp nhất trước khi các phiên đàm phán diễn ra, đó là về “sân chơi thương mại công bằng” và về nghề cá.
Trong vấn đề “sân chơi thương mại công bằng”, tức là yêu cầu từ phía EU rằng, Vương quốc Anh phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngang bằng với EU về trợ cấp nhà nước, về tiêu chuẩn môi trường, về quyền của người lao động, ông Barnier cho biết, phía Anh mặc dù tuyên bố sẽ theo đuổi các tiêu chuẩn cao nhưng lại từ chối cam kết điều đó với EU bằng một thoả thuận.
Liên quan đến nghề cá, phía Anh cũng từ chối coi đây là một phần của thoả thuận thương mại tương lai, mà muốn tách ra thành một chủ đề riêng để thảo luận hàng năm, điều mà phía EU kiên quyết từ chối.
Trong khi đó, trong thông báo gửi đến báo chí Anh cuối ngày 5/3, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết, mặc dù hai bên còn nhiều bất đồng lớn, nhưng phía EU cần tôn trọng thực tế là nước Anh đã ra khỏi quỹ đạo của EU và không có nghĩa vụ tuân theo luật hay các toà án của EU.
Theo lịch trình, các đoàn đàm phán hai bên sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng này trong phiên đàm phán thứ hai được tổ chức tại thủ đô London của Anh.
Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng. Trong trường hợp này, cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là Anh và Ireland-thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với Vương quốc Anh. Theo tính toán của các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc, nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU, nước Anh sẽ mất đến 29 tỷ euro (32 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu mỗi năm, khi EU là điểm đến của gần một nửa hàng xuất khẩu từ Anh./.