G20 nỗ lực vượt khác biệt để tìm đồng thuận
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay bao hàm hầu hết các vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay nhưng cũng không quên tạo ra dấu ấn với các sáng kiến tăng trưởng và phát triển mới.
Các vấn đề nóng của toàn cầu
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2023 diễn ra trong hai ngày cuối tuần này đã kết thúc cách đây 1 giờ đồng hồ tại khu trung tâm hội nghị Bharat Mandapam, thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Tới thời điểm này, có thể khẳng định Hội nghị đã thành công với việc các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố New Delhi từ sớm với nhiều kết quả chưa từng có.
Vào cuối giờ chiều 9/9, ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, nước chủ nhà Ấn Độ công bố 21 thành viên của khối đã đạt được đồng thuận 100% về nội dung của Tuyên bố New Delhi. Những nội dung này không chỉ bao hàm vấn đề khí hậu hay khủng hoảng nợ mà rộng lớn hơn nhiều, tập trung vào tăng trưởng và kết nối.
Điểm đáng chú ý nhất của Tuyên bố là tất cả 83 đoạn của văn bản này đã được nhất trí thông qua với sự đồng thuận 100% của tất cả 21 thành viên. Lần đầu tiên trong lịch sử G20, tuyên bố của các nhà lãnh đạo không có chú thích cuối trang hoặc Tóm tắt của Chủ tịch. Ngoài ra, bản Tuyên bố cũng được cho là tham vọng nhất, với 112 kết quả bao gồm cả kết quả và các tài liệu đính kèm, nhiều hơn hai lần rưỡi so với bất kỳ Hội nghị Thượng đỉnh G20 nào trước đó.
Điểm đáng chú ý của Tuyên bố này là sự ra mắt của Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu do Chính phủ Ấn Độ khởi xướng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đây là bước ngoặt trong nỗ lực hướng tới sự bền vững và năng lượng sạch của nước này. Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu được ra mắt tại New Delhi với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva, Tổng thống Argentina Alberto Fernández và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Liên minh này sẽ nhằm mục đích tạo điều kiện hợp tác và tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững, bao gồm cả trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nó sẽ tập trung vào việc củng cố thị trường, tạo thuận lợi cho mua bán nhiên liệu sinh học toàn cầu, phát triển các bài học về chính sách cụ thể và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình nhiên liệu sinh học quốc gia trên toàn thế giới.
Một điểm nhấn khác của Tuyên bố New Delhi là việc thông báo ra mắt hành lang kết nối đường sắt và vận tải Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu của Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia và Liên minh châu Âu. Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEE EC) sẽ khuyến khích và tạo động lực cho phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, Tây Á/Trung Đông và châu Âu. Hành lang sẽ bao gồm hai tuyến riêng biệt gồm Hành lang phía Đông nối Ấn Độ với Tây Á/Trung Đông và Hành lang phía Bắc nối Tây Á/Trung Đông với châu Âu. Ngoài ra, G20 còn đạt được các đồng thuận về cải cách các thể chế tài chính toàn cầu, quản lý các tài sản tiền số, giải pháp cho vấn đề nợ quốc gia, chống khủng bố …
Rõ ràng, nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã bao hàm hầu hết các vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay nhưng cũng không quên tạo ra dấu ấn với các sáng kiến tăng trưởng và phát triển mới.
Những bất đồng được khép lại
Ấn Độ đã thành công với vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2023, điều này được thể hiện rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối cuối tuần này. Trước thềm Hội nghị, rất nhiều lo ngại được nêu ra khi mà các căng thẳng địa chính trị đang chi phối sân khấu chính trị thế giới, có khả năng làm gián đoạn sự hợp tác của G20. Đó là cuộc xung đột tại Ukraine và sự tẩy chay mà phương Tây nhằm vào Nga, hay đối đầu chiến lược Mỹ Trung và ngay cả những khúc mắc về biên giới lãnh thổ giữa nước chủ nhà Ấn Độ với nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc.
Trước thềm Hội nghị, 2 thông tin kém tích cực là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới Ấn Độ để tham dự trực tiếp hoạt động lớn nhất trong năm của G20. Điều này có nguy cơ làm lung lay vai trò và vị thế của G20 như một diễn đàn giúp giải quyết các vấn đề lớn của thế giới.
Dù vậy, Ấn Độ đã giúp G20 vượt qua được các thách thức để đi tới 1 năm 2023 thành công về mặt kết quả. Trước hết là khả năng điều phối và giàn xếp các khác biệt về lợi ích giữa các thành viên. Đây chính là điều mà Ấn Độ thể hiện rất tốt trong hơn 9 tháng chủ trì các cuộc họp G20. Cần nhớ rằng 2 cuộc họp của Thống đốc Ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Tài chính G20 trong năm nay diễn ra mà không ra được Tuyên bố chung chỉ vì khúc mắc về câu chữ.
Bất đồng này xuất phát từ các căng thẳng địa chính trị là chủ yếu. Việc các nhà lãnh đạo G20 sớm đi tới thống nhất về Tuyên bố New Delhi ngay trong ngày đầu Thượng đỉnh chính là thành công lớn nhất. Dấu ấn thứ hai của Ấn Độ trong năm Chủ tịch 2023 là việc chủ động nêu ra các sáng kiến, tập hợp các thành viên và thúc đẩy việc triển khai. Ấn tượng của Ấn Độ trong năm qua là việc tạo ra các kết quả cụ thể.
Hình ảnh của Ấn Độ và cá nhân Thủ tướng Narendra Modi
Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra và vai trò Chủ tịch của khối trong năm 2023 đã giúp Ấn Độ nâng tầm hình ảnh và vị thế của đất nước. Giờ đây, Ấn Độ đã định hình chính mình là một cực đang lên trong bàn cờ đa cực của thế giới. Ấn Độ cho thấy mình không đứng về phe nào trong căng thẳng địa chính trị mà đang chủ động can dự với các cường quốc để xác lập vị thế của bản thân, đồng thời đóng góp vào hòa bình, tiến bộ của thế giới, góp phần giải quyết các thách thức.
Ở vế còn lại, Ấn Độ đã cho thấy năng lực lãnh đạo với khả năng đối thoại và kết nối các quốc gia đang phát triển và kém phát triển trong cái gọi là thế giới Nam Bán cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ đã có thể vận động để G20 đưa Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thứ 21 của khối.
Tham vọng của Ấn Độ còn thể hiện ở việc tập hợp các nguyện vọng và quan tâm của các nước đang phát triển để đưa vào chương trình nghị sự. Cuối cùng, vai trò lãnh đạo và tạo cảm hứng của Thủ tướng Narendra Modi xứng đáng được nhắc tới trong năm 2023, khi Ấn Độ chủ trì toàn bộ tiến trình G20. Đây là các vốn liếng chính trị quý giá để Ấn Độ cũng như Thủ tướng Modi tiến xa trong các dự định sắp tới.