G20 ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề quan trọng
VOV.VN - Hôm qua (18/11), các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh sự thống khổ do các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine gây ra, đồng thời kêu gọi hợp tác về biến đổi khí hậu, giảm nghèo và chính sách thuế.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được sự đồng thuận hẹp về cuộc xung đột ở Ukraine, đề cập ngắn gọn đến sự đau khổ của con người và hậu quả kinh tế bởi cuộc xung đột này. Theo các nguồn tin, các nhà ngoại giao châu Âu mong muốn ngôn từ mạnh mẽ hơn, song để đạt đồng thuận, các nước này đã phải đưa ra nhượng bộ.
Tuyên bố của G20 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza, kêu gọi khẩn cấp viện trợ và bảo vệ nhiều hơn cho dân thường và tiến tới các lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza và Lebanon.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí rằng thế giới cần đạt được thỏa thuận về mục tiêu tài chính mới với số tiền mà các nước giàu có phải cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn. Đây cũng là điều Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev gửi gắm khi hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan:
“G20 chiếm 85% GDP toàn cầu và 80% lượng khí thải. Vai trò lãnh đạo của G20 rất cần thiết để đạt được tiến triển trên tất cả các trụ cột của Thỏa thuận Paris, từ tài chính đến giảm thiểu và thích ứng. Chúng ta không thể thành công nếu không có G20, và thế giới đang chờ đợi họ. Hãy thúc giục G20 sử dụng hội nghị thượng đỉnh để gửi đi tín hiệu tích cực về cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi muốn họ đưa ra các nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện tại COP 29. Đây là cơ hội để G20 thể hiện vai trò lãnh đạo”.
Là nước chủ nhà của thượng đỉnh G20 năm nay, Brazil mở rộng trọng tâm sang vấn đề nghèo đói cùng cực. Tại hội nghị, G20 đã ra mắt Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo, với sự ủng hộ của hơn 80 quốc gia, cùng với các ngân hàng đa phương và các tổ chức từ thiện lớn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có cam kết đóng góp quan trọng: “Bây giờ chúng ta cần đảm bảo Ngân hàng Thế giới có thể tiếp tục công việc của mình tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Ngay bây giờ, tôi tự hào thông báo rằng Mỹ đang cam kết tài trợ 4 tỷ USD trong ba năm tới cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới”.
Tại hội nghị, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi sự hợp tác thuế quốc tế để hạn chế sự bất công, bất bình đẳng: “Hợp tác thuế quốc tế là rất quan trọng để giảm bất bình đẳng. Mức thuế 2% đối với tài sản của những cá nhân siêu giàu, có thể tạo ra nguồn lực khoảng 250 tỷ USD mỗi năm, để đầu tư vào việc đối phó với những thách thức về xã hội và môi trường. Đối với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương, cần phải có hành động. Chúng ta không cần phải chờ đến một cuộc chiến tranh thế giới mới hay một sự sụp đổ kinh tế rồi mới thúc đẩy những chuyển đổi mà trật tự quốc tế cần có”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhân hội nghị G20 công bố một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển của “Nam bán cầu”, từ hợp tác khoa học với Brazil và các quốc gia châu Phi đến việc giảm rào cản thương mại cho các nước kém phát triển nhất.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường quản lý và hợp tác quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không nên chỉ là trò chơi của các nước giàu và người giàu.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, lãnh đạo các nước G20 tiếp tục thảo luận về nội dụng Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.