G20 thảo luận vụ bê bối nghe lén của Mỹ
VOV.VN - Vụ bê bối nghe lén của Mỹ tiếp tục làm dậy sóng trong quan hệ giữa Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Vấn đề này cũng được nhóm các nước mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh (G20) đang diễn ra tại Nga, sau khi có những thông tin cho biết Mỹ đã lén theo dõi thông tin cá nhân của Tổng thống Brazil - một nước thành viên của nhóm này.
Những thông tin do cựu nhân viên Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ tiếp tục khiến nhà lãnh đạo nhiều nước phẫn nộ khi biết rằng mình nằm trong tầm theo dõi của cơ quan an ninh Mỹ.
Tại phiên khai mạc Hội nghị G20 tại thành phố St. Petersburg, Nga hôm 5/9 các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS đã thể hiện sự lo ngại trước những cáo buộc gần đây về việc "chương trình gián điệp của Mỹ nhằm vào nhiều nước".
Cái tên Snowden vẫn gây nhức nhối cho chính quyền Mỹ (Ảnh AsianNews) |
Trong cuộc họp báo ngắn bên lề Hội nghị, ông Dmitry Peskov người phát ngôn Tổng thống Nga cho biết: “Một số đại biểu tham gia Hội nghị đã thể hiện rõ thái độ tiêu cực trước các thông tin gần đây về chương trình gián điệp của Mỹ, trong đó có các lãnh đạo của nhóm BRICS. Hơn thế nữa, việc lén theo dõi thư điện tử, hay can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác có thể bị so sánh với chủ nghĩa khủng bố”.
Việc Nga cho phép cựu nhân viên CIA Edward Snowden tỵ nạn tạm thời cũng đang gây căng thẳng trong quan hệ 2 nước Nga và Mỹ. Thêm vào đó, vấn đề Syria cũng đẩy Nga và Mỹ vào thế đối đầu tại hội nghị G20 lần này.
Từ đầu tháng 9 này, thế giới một lần nữa rúng động khi phóng viên Glenn Greenwald làm việc cho báo The Guardian của Anh, tiếp tục đưa ra những tài liệu do cựu nhân viên CIA Snowden cung cấp cho thấy Cơ quan ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lén theo dõi các cuộc đàm thoại và thư điện tử của Tổng thống Brazil và Tổng thống Mexico.
Chính quyền 2 nước này đã nhanh chóng triệu Đại sứ Mỹ tới để đề nghị giải thích rõ, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ cũng phải có câu trả lời chính thức bằng văn bản cho vụ việc này.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã yêu cầu một lời xin lỗi công khai. Trong khi, Tổng thống Mexico Enrique Nieto dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị G20 để làm sáng tỏ mọi chuyện.
Sự việc sẽ không dừng lại ở đây, vì các đồng minh châu Âu cũng đang tỏ ra rất đề phòng với Mỹ. Tổng biên tập báo Guardian của Anh Alan Rusbridger đang cung cấp những bằng chứng tố cáo chương trình gián điệp của Mỹ tại Nghị viện châu Âu.
Sau khi nhận được toàn bộ những chứng cứ này, Nghị viện châu Âu sẽ quyết định những cơ chế bảo vệ trong tương lai. Người đứng đầu Ủy ban các vấn đề Tự do dân sự, Công lý và Nội vụ tại Nghị viện châu Âu Lopez Aguilar nhấn mạnh:“Chúng tôi đang tiếp nhận những thông tin có liên quan tới quyền lợi của cộng đồng châu Âu, của người dân châu Âu. Trước vấn đề này, tôi cảm thấy thật sự lo ngại.”
Mỹ sẽ phải chuẩn bị để đương đầu với nhiều sóng gió ngoại giao ở phía trước, khi phóng viên Glenn Greenwald trong tuyên bố ngày 4/9 cho biết, ông sẽ công khai toàn bộ các tài liệu mật mà cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden đã cung cấp./.