G20 tìm giải pháp vực dậy kinh tế thế giới
VOV.VN - Hội nghị G20 đã tiến hành trong 2 ngày 19 và 20/7 tại Moscow thảo luận biện pháp ngăn chặn chốn thuế, phát triển thị trường…
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Lao động và Thống đốc ngân hàng Trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 19 và 20/7 tại thủ đô Moscow, Nga với các chủ đề chính là ngăn chặn tình trạng trốn thuế, thúc đẩy thị trường việc làm và tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế thế giới.
Hội nghị G20 tại Moscow, Nga (Ảnh: Reuters) |
Kết thúc phiên họp đầu tiên, các Bộ trưởng Lao động và Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thông cáo chung, trong đó cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm thúc đẩy các chương trình tạo việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Các Bộ trưởng G20 cam kết tăng cường nỗ lực hơn nữa theo hướng đầu tư vào các chương trình tạo việc làm, bồi dưỡng tay nghề thường xuyên, cũng như tăng tỷ lệ có việc làm trong giới trẻ. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí duy trì điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi để tạo việc làm, khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, cần tập trung nỗ lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chống lại hoạt động manh mún trên thị trường lao động cũng như hạn chế mức độ bất bình đẳng về mặt xã hội.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 tiếp tục trao đổi quan điểm về biện pháp chống trốn thuế thông qua hợp tác đa quốc gia như đã được kêu gọi trong Tuyên bố chung tại hội nghị G20 hồi tháng 4 vừa qua tại Washington, Mỹ. Ưu tiên của G20 là tiến tới tăng cường sự minh bạch, hành động mạnh mẽ hơn với những nước đang duy trì hệ thống luật pháp yếu kém, từ đó "phanh phui" những thủ thuật mà các công ty đa quốc gia đã sử dụng để giảm thiểu hóa đơn thuế.
Bên cạnh đó, Hội nghị dự kiến thông qua một tuyên bố chung về áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa. Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề ngày họp đầu tiên, Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) Angel Gurria cho biết, các Bộ trưởng Tài chính đã bày tỏ ủng hộ một kế hoạch đánh giá lại các quy định về đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn những “kẻ hở” mà các công ty này có thể lợi dụng để trốn thuế.
“Các quy định về thuế quan quốc tế bảo đảm các doanh nghiệp không phải đóng thuế tại hai quốc gia. Chúng ta cần tránh đánh thuế hai lần. Điều này là đúng, nhưng thật không may các quy định hiện nay lại tạo ra điều ngược lại – đó là không đánh thuế hai lần và chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn điều này”. Ông Gurria nhấn mạnh.
Hội nghị cũng bàn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ giảm chương trình mua tài sản và lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán một số nền kinh tế đang phát triển và làm giảm giá đồng tiền của các nền kinh tế này.
Theo một nguồn tin, một số bộ trưởng tài chính G20 có thể sẽ thúc đẩy Mỹ liên kết chặt chẽ hơn với các thị trường tài chính, vì việc dừng các gói kích thích tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách tài chính của nhiều nước và có thể gây ra một dòng vốn chảy ra từ các quốc gia mới nổi.
Tại cuộc họp lần này, các bộ trưởng tài chính G20 cũng mong muốn Trung Quốc tiết lộ thêm thông tin về cái gọi là "hệ thống ngân hàng ngầm" của nước này vì rất nhiều các khoản cho vay tại Trung Quốc đang được cung cấp từ các tổ chức phi ngân hàng trong nước. Các chuyên gia phân tích đánh giá "hệ thống ngân hàng ngầm" này có thể phải gánh chịu những rủi ro tương tự như những rủi ro đã từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thứ cấp hồi năm 2007, dẫn đến sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một năm sau đó.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế ở các nước giàu và nước mới nổi đang có những điểm không thuận lợi. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang tìm trong suy thoái và kinh tế Mỹ đang chật vật để giành động lực, trong khi tốc độ tăng trưởng cao của các nền kinh tế mới nổi vốn là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu chậm lại./.