G7 cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ
Các đại biểu tham dự Hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cảnh báo, bất cứ biện pháp bảo hộ nào nhằm thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia chỉ làm suy yếu thêm sự thịnh vượng toàn cầu
>> Nhóm G7 đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới
Ngày 14/2, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng khách mời Nga cam kết phối hợp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, củng cố hệ thống ngân hàng để thế giới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.
Các đại biểu cảnh báo, bất cứ biện pháp bảo hộ nào nhằm thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia cũng chỉ làm suy yếu thêm sự thịnh vượng toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ các nước đang phát triển để những người nghèo nhất thế giới không phải là đối tượng chịu tác động lớn nhất do suy thoái toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner cố thuyết phục các đồng nghiệp rằng, kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Tổng thống Obama mang lại khoản cắt giảm thuế lớn được mong đợi bấy lâu nay.
“Tổng thống Barack Obama sẽ sớm ký ban hành đạo luật phục hồi kinh tế Mỹ và kế hoạch tái đầu tư. Kế hoạch này sẽ mang lại dòng vốn đầu tư và khoản cắt giảm thuế lớn, qua đó tạo thêm nhiều việc làm và tăng cường tiềm năng lâu dài của nước Mỹ”, ông Geithner nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck cảnh báo, thế giới không nên lặp lại sai lầm của những năm 30 của thế kỷ trước dẫn đến Đại suy thoái kinh tế. Ông cũng cho rằng tình hình chỉ được cải thiện chừng nào niềm tin được không phục giữa các định chế tài chính quốc tế. Ông Steinbrueck cho rằng: “Nếu muốn chứng kiến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, chúng ta cần phải tạo sự tin tưởng trên thị trường tài chính. Điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu này là cải tổ và minh bạch hoá các đạo luật liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng”./.