G7 thống nhất quan điểm chung về tình hình Gaza sau nhiều tranh cãi
VOV.VN - Hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm nay (8/11) bước sang ngày làm việc cuối cùng. Một trong những vấn đề gây không ít tranh cãi giữa các nước thành viên G7 chính là tình hình chiến sự tại Dải Gaza trước khi các bên đi được đến tuyên bố chung cuối cùng.
Là đồng minh chủ chốt của Israel, Mỹ cho đến nay vẫn phản đối lời kêu gọi ngừng bắn mà chỉ ủng hộ một lệnh “tạm ngừng nhân đạo” vì cho rằng Israel có quyền tự vệ. Tuy nhiên, các nước khác trong G7 lại có lập trường hoàn toàn khác.
Tại cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước, trong số 7 nước G7, chỉ có Mỹ bỏ phiếu chống và Pháp bỏ phiếu ủng hộ về lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, trong khi Nhật Bản, Anh, Italia, Đức và Canađa đều bỏ phiếu trắng. Điều này cho thấy, lập trường giữa các nước G7 về tình hình xung đột tại dải Gaza vẫn còn nhiều khác biệt. Bởi vậy, ngay phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng diễn ra ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi nhóm có tiếng nói rõ ràng về cuộc xung đột Hamas-Israel kéo dài 1 tháng qua.
Đây là thời khắc quan trọng để các nước G7 cùng đối mặt với cuộc khủng hoảng và đưa ra tiếng nói chung rõ ràng về tình hình hiện nay ở Dải Gaza. Tôi mong chờ điều này trong các cuộc thảo luận của chúng ta
Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận đầy căng thẳng, các nhà ngoại giao G7 cũng đã thống nhất được lập trường chung về cuộc chiến Israel-Hamas, trong đó lên án lực lượng Hamas, ủng hộ quyền tự vệ của Israel và kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” để tăng tốc viện trợ cho những người tuyệt vọng. Để đi đến lập trường chung, các bên đã tìm cách cân bằng giữa những lời chỉ trích về các cuộc tấn công của Hamas chống lại Israel và việc thúc đẩy “hành động khẩn cấp” để giúp đỡ người dân ở dải Gaza.
Theo kế hoạch, trong hôm nay, các Ngoại trưởng thuộc Nhóm G7 sẽ ra tuyên bố chung chính thức sau 2 ngày họp. Đây sẽ là tuyên bố thứ hai của Nhóm G7 về vấn đề này kể từ khi vùng phát xung đột Hamas – Israel vào ngày 7/10 vừa qua.
Ngoài 3 vấn đề chính trên , trong 2 ngày hội nghị, các ngoại trưởng G7 cũng thảo luận về các diễn biến tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, quan hệ với Trung Quốc, tầm quan trọng của việc phối hợp với các cường quốc châu Á trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, việc hỗ trợ Ukraine và tình hình Triều Tiên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra trước đó tại phiên họp đánh dấu ngày cuối cùng của hội nghị kéo dài hai ngày nêu rõ, các Ngoại trưởng G7 nhất trí vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine, cam kết tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy công tác tái thiết trung và dài hạn ở quốc gia Đông Âu này.