Gaza đứng trước một thỏa thuận ngừng bắn mong manh
VOV.VN - “Một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo sẽ không thể được thực thi trước ngày 24/11” – Đó là nhận định của quan chức Israel đưa ra vào rạng sáng nay. Điều này trái với tuyên bố về một thỏa thuận có hiệu lực ngay lập tức, tức là dự kiến vào 10h sáng nay theo giờ địa phương.
Lý giải về việc thỏa thuận bị trì hoãn, các quan chức Israel cho biết nước này vẫn chưa nhận được danh sách của những con tin đầu tiên mà Hamas định thả. Bên cạnh đó, cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi tối qua xác nhận việc trả tự do cho các con tin bị Hamas cầm giữ kể từ khi xung đột bùng phát cũng sẽ không diễn ra trước thời điểm 24/11.
Cùng với đó, bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời đã được Quốc hội Israel thông qua, đêm qua (theo giờ địa phương), quân đội Israel tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào hàng loạt mục tiêu trên khắp dải Gaza. Trong đó, cuộc bố ráp của bộ binh Israel vào trại tỵ nạn Jabaliya ở phía Bắc Gaza trưa qua khiến gần 100 người chết, hầu hết là dân thường.
Số liệu công bố đêm qua của cơ quan y tế Palestine tại Gaza cho biết, các cuộc tấn công tổng lực của cả không quân, hải quân, pháo binh và bộ binh Israel vào Gaza trong cùng ngày khiến hơn 400 người chết cùng gần 1.000 người bị thương, là một trong những ngày đẫm máu nhất tại Gaza kể từ đầu chiến sự. Các chuyên gia lo ngại, việc Israel đẩy mạnh tấn công và gây nhiều thương vong tại Gaza ngay trước thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, có thể khiến thỏa thuận bị đổ vỡ.
Giáo sư Greg Barton, Chủ nhiệm khoa Chính trị Hồi giáo toàn cầu, trường đại học Deakin của Australia cho rằng: “Hãy nhìn vào thực tế, thỏa thuận này khá mong manh. Rõ ràng có vấn đề với lòng tin giữa chính phủ Israel và người dân ở Gaza nói chung. Có những lý do có thể hiểu được những quan điểm của Chính phủ Israel về Hamas. Vì vậy, theo tôi, có ít cơ sở để tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ xem, bởi Chính phủ Israel cũng đã có kinh nghiệm trong các vụ việc giải cứu con tin suốt nhiều thập kỷ qua”.
Đồng quan điểm với giáo sư Barten, tiến sỹ Anas Iqtait, giảng viên kinh tế chính trị Trung Đông, thuộc trường đại học quốc gia Australia cũng cho rằng hiện điều cần thiết nhất để thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được thực hiện đúng như cam kết là lòng tin giữa hai bên và các biện pháp ngoại giao của quốc tế.
“Hoàn toàn không có sự tin tưởng nào giữa Hamas và Israel. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự tin tưởng vào các bên hòa giải. Qatar, Mỹ và Ai Cập đang nỗ lực hết sức để đưa ra sự đảm bảo cho cả Hamas và Israel rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ phải được tuân thủ. Điều đó có xảy ra hay không thì vẫn phải chờ xem. Theo quan điểm của tôi, thỏa thuận sẽ được thực hiện nếu hai bên cũng có thiện chí”, ông Iqtait nói.
Cộng đồng quốc tế vẫn mong đợi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Israel và Hamas sẽ sớm được thực thi để tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza. Trong một tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua, người đứng đầu Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Catherine Russell đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải thực hiện thỏa thuận ngừng bắn để tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ.
“Hơn 5.300 trẻ em bị thiệt mạng chỉ trong vòng 46 ngày. Đó là điều chưa từng có. Gaza hiện là "nơi nguy hiểm nhất trên thế giới” đối với trẻ em. Cái giá thực sự của cuộc chiến tại Gaza đang được tính bằng mạng sống của trẻ em. Nếu không chấm dứt giao tranh và tiếp cận nhân đạo đầy đủ, cái giá phải trả sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Chúng tôi sẵn sàng mở rộng quy mô cung cấp viện trợ nhân đạo đang rất cần thiết ở Gaza ngay khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực”, bà Russell nhấn mạnh.
Cùng ngày Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen nhấn mạnh sẽ tận dụng thời gian ngừng bắn để thúc đẩy hoạt động nhân đạo và trợ giúp quốc tế tại Gaza. Ngoại trưởng Anh David Cameron hối thúc tất cả các bên đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi đầy đủ. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này kỳ vọng thỏa thuận giữa Israel và Hamas sẽ sớm được thực thi, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, giảm căng thẳng cuộc xung đột.