Gaza hoang tàn sau một năm xung đột giữa Israel - Hamas
VOV.VN - Tròn một năm kể từ khi nổ ra xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, dải Gaza đang trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Liên Hợp Quốc ước tính, có thể mất tới 14 năm để dọn dẹp hàng chục triệu tấn vật liệu chất đống do chiến sự gây ra.
Sau một năm xung đột khốc liệt, hệ thống cơ sở hạ tầng trên dải Gaza đã gần như sụp đổ. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, có hơn 42 triệu tấn vật liệu đổ nát, hơn 163.000 tòa nhà đã bị hư hại hoặc san phẳng. Số vật liệu ngổn ngang này vẫn tiếp tục lớn dần lên mỗi ngày. Theo Bộ Y tế Palestine, có khoảng 10.000 thi thể cùng nhiều quả bom chưa nổ vẫn đang bị chôn vùi, người dân Gaza đang hàng ngày phải đối mặt những mối nguy nằm dưới hàng chục triệu tấn vật liệu đổ nát.
Nhấn mạnh các tác động tàn khốc của cuộc xung đột, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc viện dẫn con số hơn 41.600 người Palestine thiệt mạng, với "gần như toàn bộ dân số" tại Gaza phải di dời. Cuộc khủng hoảng nhân đạo trên Dải Gaza đang được cho là không thể tưởng tượng nổi. Giới chức Liên hợp quốc cảnh báo, không chỉ thiếu hụt nguồn cung thiết yếu, người dân trên dải Gaza cũng đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng phát sinh.
Ông Georgios Petropoulos, Đại diện Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo lưu ý rằng: “Nhu cầu nhân đạo không chỉ còn là vấn đề thức ăn, nước uống, mà nó còn bao gồm sức khỏe tâm thần. Nhiều người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng lại không được tiếp cận đầy đủ với nguồn thuốc men điều trị. Có những gia đình đã mất đi người thân, có những đứa trẻ không có người giám hộ. Chúng tôi cũng muốn chú trọng tới vấn đề chăm sóc y tế. Hiện tại trong số những vấn đề được nêu ra, không có vấn đề nào đang được giải quyết ở mức độ mà nó cần được giải quyết".
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bà Catherine Russell mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng trẻ em ở Gaza là nhóm đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, có nguy cơ phải đối mặt với những di chứng có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau. Theo Liên hợp quốc, hơn 650.000 em mất cơ hội học tập và bị chấn thương tâm lý.
Về phía Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng vừa công bố danh sách thương vong mở rộng, tiết lộ mất hơn 700 lính kể từ khi phát động chiến dịch quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza cách đây một năm. Đây là tổn thất cao nhất quân đội Israel phải hứng chịu trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ cuộc chiến năm 1973, khi hơn 2.600 binh lính nước này tử trận.
Với mức độ tàn phá nghiêm trọng từ xung đột, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục phát đi cảnh báo đỏ về nguy cơ Trung Đông bên bờ “vực thẳm”. Một số quốc gia đã có động thái ngăn chặn vũ khí đến Israel. Trong khi, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cũng vừa nhắc lại lời kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức trên mọi mặt trận”.